Không thể chạy trốn lương tâm
Ngày 19-3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tiến hành xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Phạm Thanh Long, 48 tuổi, trú tại xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An mức án 8 năm tù giam về tội giết người. Điều đáng nói là Phạm Thanh Long đã bị cảm giác tội ác ám ảnh, dằn vặt nên đã ra đầu thú cơ quan chức năng sau 14 năm lẩn trốn nơi đất khách.
Lật lại hồ sơ vụ án, vào năm 1999, khi đó Long đang làm công nhân Công ty Cầu đường Nghệ An. Trong quá trình thi công trình ở huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An, Long cùng nhóm công nhân thường rượu chè và đánh bài ăn tiền. Trong một đêm chơi bài, sau khi thua cháy túi, Long mượn của anh Phạm Văn Tuấn, trú tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An với số tiền 100 ngàn đồng để tiếp tục "sát phạt". Vì điều kiện khó khăn, anh Tuấn đã nhiều lần tìm đến Long để hỏi số tiền 100 nghìn đồng, nhưng Long không trả mà nhiều lần xin khất.
Số tiền ít ỏi, nhưng nó đã dẫn đến hậu quả khôn lường đối với hai người đàn ông vào một đêm định mệnh. Đó là khoảng 21 giờ, ngày 15-10-1999, Phạm Thanh Long đi chơi về, vào nhà anh Tuấn xem ti vi. Tại đây, anh Tuấn lại yêu cầu Long trả số tiền nợ, nhưng Long một mực cho rằng đã trả rồi. Hai người tranh cãi nhau gay gắt dẫn đến việc anh Tuấn dùng dao chém vào đầu Long gây chảy máu. Thấy sự việc như vậy, mọi người vào can ngăn, Long được chị Vũ Thị Huệ (vợ anh Tuấn) băng bó vết thương rồi vào giường nằm. Thế nhưng, mọi chuyện không dừng lại ở đó mà trở nên nghiêm trọng hơn, khi anh Tuấn tiếp tục vào chỗ Long nằm đòi trả tiền nợ và chửi bới. Khoảng 10 phút sau, Long xuống bếp nhà anh Tuấn lấy một con dao nhọn, rồi đến chỗ anh Tuấn đang ngồi xem ti vi. Hai bên thách thức nhau. Long dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào người anh Tuấn. Được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương nặng nên anh Tuấn tử vong.
Sau khi gây án, Long đã bỏ trốn khỏi địa bàn, mong thoát tội giết người. Thế nhưng, lương tâm dằn vặt vì những tội ác của mình gây ra, Long đã không thể thanh thản và nhiều lần có ý định ra đầu thú. Trong một lần trốn về thăm quê, được mọi người khuyên bảo, đặc biệt nhìn cảnh bố mẹ già đã ở tuổi 90 vẫn khóc vì con nên Long quyết định đi đầu thú. Long đã lên nhà đưa cho chị Vũ Thị Huệ (vợ nạn nhân) số tiền 15 triệu đồng và xin được gia đình tha thứ. Đến ngày 19-8-2013, Phạm Thanh Long đến cơ quan điều tra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Hôm nay, đứng trước vành móng ngựa, Phạm Thanh Long đã khai, trong quá trình đánh bài, Long có mượn anh Tuấn 100 nghìn đồng, nhưng đã trả hết sau đó. Tuy nhiên, anh Tuấn lại cho rằng Long chưa trả và có ý định quỵt nợ. Bị anh Tuấn đòi nợ, chửi bới, dùng dao chém khiến Long tức giận không kiềm chế được bản thân nên đã gây ra án mạng.
Phạm Thanh Long cũng có phút trải lòng về quãng thời gian chui lủi của mình: “Sau khi đâm chết anh Tuấn, vì quá hoảng sợ, tôi đã chạy trốn hết Tây Nguyên rồi xuống TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi tôi chỉ dám ở một thời gian ngắn. Ai thuê gì làm nấy, chỉ mong ngày có 3 bữa cơm. Thế nhưng, 14 năm qua, chưa một đêm nào tôi ngủ yên, cứ nhắm mắt lại thấy việc đã xảy ra. Đã có những lúc lương tâm dằn vặt, tôi quyết định đi đầu thú, nhưng nỗi sợ hãi lại ập đến. Lại trốn. Thời gian chạy trốn, khi sức khỏe bắt đầu kiệt, ngoảnh lại thấy mình không có gì cả. Không gia đình, không vợ con. Tôi đã nghĩ tới cái cảnh mình chết cô độc nơi đất khách quê người mà không có lấy một người thân bên cạnh. Tôi quyết định trở về, để trả món nợ sinh mạng, để nếu có chết cũng được nhìn thấy bố mẹ, anh em. Trở về, cha mẹ già 90 tuổi cứ ôm lấy tôi mà khóc rồi khuyên tôi đi đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Giờ tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm đi nhiều. Không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không còn bị ám ảnh”. Câu chuyện tại phiên tòa của Phạm Thanh Long như một lời nhắn nhủ: Chúng ta có thể chạy trốn hình phạt với tội ác do mình gây ra nhưng không thể trốn chạy khỏi lương tâm.
Viết Lam
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-the-chay-tron-luong-tam/