Không thể chủ quan với những biểu hiện mất giọng ở trẻ
Nếu trẻ bị mất giọng kéo dài trên 12 tuần, cần phải có sự thăm khám của các sĩ chuyên khoa tai mũi họng chuyên sâu về giọng.
Khàn tiếng là một bệnh phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên thường hết biểu hiện sau 7-10 ngày. 5% trong số này có biểu hiện kéo dài sau 12 tuần và được gọi là viêm thanh quản mạn (hay còn gọi là khàn tiếng tăng động ở trẻ), cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia về giọng.
Biểu hiện là sự thay đổi về giọng ở trẻ khác với trẻ cùng tuổi và cùng giới tính. Theo đó, trẻ bị khó nói và giọng khàn; trẻ mất khả năng điều khiển giọng, khiến giọng quá cao hoặc quá thấp, quá to hoặc quá yếu. Giọng mũi kín hoặc mũi hở do không khí không qua được mũi hoặc qua mũi quá nhiều (trong trường hợp sứt môi hở hàm ếch).
Nếu biểu hiện này kéo dài trên 12 tuần, cần phải có sự thăm khám của các sĩ chuyên khoa tai mũi họng chuyên sâu về giọng.
Hậu quả của sự thay đổi giọng này tuy không nguy hiểm đến tính mạng trẻ, nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của trẻ vì làm cho trẻ thiếu tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng tới chất lượng học tập nhất là những môn học như tập đọc, thuyết trình, ngoại ngữ... do khả năng dự trữ hơi giảm, thường xuyên phải gắng sức khi phát âm.
Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do trẻ bị mắc các viêm nhiễm cấp tính của thanh quản không được điều trị kịp thời và triệt để. Trẻ sử dụng giọng quá mức so với sức khỏe của bản thân dây thanh của chính người đó (dây thanh là bộ phận tạo ra âm thanh) và bị trào ngược của dịch dạ dày lên họng thanh quản.
Diễn biến bệnh và cách xử trí
Nếu không được xử trí kịp thời sẽ tạo ra các tổn thương đặc thù của thanh quản như: phản ứng dày bờ tự do của dây thanh, hạt xơ dây thanh, u nang hoặc polip dây thanh. Trong một số trường hợp có thể gây teo cơ dây thanh.
Giọng nói của trẻ khàn mức độ tăng dần, trẻ phải sử dụng các cơ xung quanh thanh quản để hỗ trợ khi nói như các cơ hô hấp, cơ cổ… nên khi nói nhiều sẽ gây ra mỏi, đau vùng cổ…
Về nguyên tắc, trẻ cần điều trị nội khoa sớm theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Đồng thời, giữ gìn “sức khỏe” cho giọng bằng chế độ ăn uống, cách thức nói…
Điều trị cụ thể trong giai đoạn cấp, trẻ cần kháng sinh toàn thân thường sử dụng nhóm Betalactam. Sử dụng kháng viêm, giảm phù nề; súc họng với SMCAG + vì Menthol và nano Ag có thể tác động sâu xuống vùng thanh quản.
Tại chỗ vùng thanh quản phải nhỏ thuốc trực tiếp vào thanh quản, khí dung, matxa thanh quản…
Ở giai đoạn mạn, trẻ phải đều trị tại chỗ thanh quản; kháng viêm kéo dài; điều trị kịp thời các đợt viêm nhiễm cấp tính của mũi họng. Đồng thời kết hợp bài tập về giọng: không nói quá to, không được nói thì thầm, tập thở bụng và tập phát âm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên về giọng. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cần hạn chế ăn lạnh, ăn chua cay.
Cân nhắc phẫu thuật trong các trường hợp đã có tổn thương thực thể tại dây thanh: viêm dày, hạt xơ, u nang, polip... Việc khuyên trẻ hạn chế nói ở chỗ đông người tuy rất khó khăn nhưng người chăm sóc trẻ bắt buộc phải làm và thật kiên trì.
Một số trường hợp đặc biệt như dị hình thanh quản, thoát vị thanh quản. Trẻ có thể có biểu hiện thay đổi về giọng xuất hiện từ khi mới sinh qua giọng khóc, nên bố mẹ và người chăm sóc phải chú ý để khi khám chuyên khoa tai mũi họng sớm, xử trí kịp thời tránh những nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng trẻ như khó thở thanh quản do bít tắc đường thở (những trường hợp này rất hiếm gặp)./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/khong-the-chu-quan-voi-nhung-bieu-hien-mat-giong-o-tre-974673.vov