Không thể cứ 'nhẹ tay' mãi… với 'thần cồn'
Chuyên gia pháp lý cho rằng, uống rượu bia, sử dụng ma túy rồi lái xe gây tai nạn làm chết nhiều người nhưng hình phạt tối đa chỉ 15 năm tù là điều rất bất hợp lý. Liệu mức hình phạt này có đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội?!
Tai nạn giao thông từ vi phạm nồng độ cồn:
Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do tài xế vi phạm nồng độ cồn
Theo Cục CSGT, Bộ Công an, do được tuyên truyền tốt, cùng với sự ra quân quyết liệt của lực lượng CA và các ngành chức năng trước và trong dịp Tết Nguyên đán, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng cao hơn trước. Từ tháng 12 và đặc biệt là trong 7 ngày nghỉ Tết, nhiều chốt 141 được triển khai tại nhiều vị trí như: tại trục đường lớn, gần quán nhậu và tuần tra lưu động, ngay cả trong đêm 30 Tết và nhiều thời điểm trong ngày. Nhờ đó, TNGT đã giảm so với Tết Nhâm Dần 2022.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện gây tai nạn. Điển hình, sáng 5/2, ô tô BKS 68E-010.11 do tài xế Phạm Văn Nhân, 52 tuổi, trú tại xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang điều khiển, lưu thông theo hướng phường Dương Đông về xã Cửa Cạn. Khi ra khỏi ngã ba vào ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, ô tô đi không đúng phần đường đã đâm vào 3 xe máy. Hậu quả làm 2 người tử vong và 4 người khác bị thương. Qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế Phạm Văn Nhân đã vi phạm ở mức 0,516mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm nồng độ cồn rất cao, gấp 1, 3 lần mức cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Trước đó tại Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn có liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao khiến nhiều người bị thương. Cụ thể, hồi 15h30 ngày 20/1, tại đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, tài xế Trần Minh Đức, 36 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội điều khiển ô tô BKS 29A-324.49 đã đâm vào 6 xe máy. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương. Lực lượng CSGT xác định, tài xế Đức vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,404 mg/lít khí thở.
Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, gây ra tai nạn thương tâm. Nhưng các “thần cồn” vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc rượu tới "bến" cùng hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống cạn, uống đến say mèm.
Cần hình sự hóa hành vi lái xe sau khi uống rượu bia
Nhiều ý kiến cho rằng, uống rượu bia, sử dụng ma túy rồi lái xe gây tai nạn làm chết cả chục người nhưng hình phạt tối đa chỉ 15 năm tù là điều rất bất hợp lý. Liệu mức hình phạt này có đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội!?
Nêu quan điểm trước đề xuất này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông cần phải tăng chế tài mạnh mẽ hơn mới đủ sức răn đe.
“Thực tế, mức phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn theo quy định hiện nay rất cao (mức cao nhất đối với người lái ô tô lên đến 30-40 triệu đồng, kèm tước bằng lái 22-24 tháng...). Ấy thế nhưng có rất nhiều người vẫn bất chấp quy định, cứ vô tư vi phạm. Đây là tiền đề dẫn đến TNGT, gây ra hậu quả rất khôn lường”, luật sư Thái cho hay.
Theo Điều 260, BLHS năm 2015, tình tiết sử dụng rượu bia, chất kích thích khác gây TNGT được xem là tình tiết định khung (có khung hình phạt 3-10 năm tù). Còn nếu gây tai nạn làm chết 3 người trở lên sẽ bị xử phạt với khung hình phạt tối đa cho tội danh này là 7-15 năm tù, lúc này tình tiết “lái xe có sử dụng rượu bia, chất kích thích khác” chỉ xem là tình tiết tăng nặng.
Nói cách khác, tài xế say xỉn, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn... tông chết 3 người hay 8 người cũng chỉ bị xử phạt tối đa là 15 năm tù. Đây quả là điều bất hợp lý mà các nhà làm luật cần tính đến để tương thích với chế tài hành chính đang áp dụng.
Luật sư Thái cho rằng, một người đã uống rượu bia mà còn cầm lái chẳng khác nào anh ta đã tự đặt mình vào trạng thái nguy hiểm, tức đã biết trước, thấy trước khả năng có thể gây ra tai nạn. Vậy thì đối với trường hợp này, nên chăng chúng ta cần sửa luật để phạt tù nặng hơn rất nhiều lần so với người gây tai nạn trong trạng thái không uống bia rượu!?
“Vì vậy, việc nghiên cứu để sớm hình sự hóa hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng khi tham gia giao thông là thực sự cần thiết, phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm nguy cơ TNGT”, chuyên gia này phân tích.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Lê Thu Huyền, ĐH GTVT cho rằng, hầu hết quốc gia coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Tài xế còn bị lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm.
Để tăng mức răn đe, TS Lê Thu Huyền đề nghị sửa đổi các quy định hiện nay với lái xe vi phạm nồng độ cồn, như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc thi lại giấy phép lái xe, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe, đặc biệt vi phạm nghiêm trọng có thể phạt tù.
Hiện nay, mức phạt cao nhất với người đi ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt 80 mg/100 ml hoặc vượt 0,4 mg/lít khí thở là 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng. TS Lê Thu Huyền đề xuất mức này nên chia ra 80-160 mg/100ml, 160-240 mg/100 ml máu để xử phạt tăng nặng. Nếu lái xe có nồng độ cồn cao hơn 240 mg/100 ml máu thì có thể bị phạt tù.
Cùng quan điểm, TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi có kiến nghị các cơ quan chức năng cần đưa một số vụ việc điển hình như: Tài xế say xỉn lái xe ô tô đâm hàng loạt xe máy tại cây xăng đường Láng, Hà Nội tối ngày 12/8/2022, khiến 8 người bị thương, hay vụ tài xế say xỉn đâm 3 người tử vong tại Bắc Giang ra xét xử như một vụ án điểm về vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Lấy đó là lời cảnh báo, răn đe, giúp cho đông đảo người điều khiển phương tiện, tránh không vi phạm những quy định pháp luật, tránh những vụ việc có hậu quả tương tự xảy ra trong tương lai”.
TS Khuất Việt Hùng cho rằng, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, phải làm thế nào để tất cả công dân đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia khi lái xe, từ đó hình thành được văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.
Do đó, bên cạnh biện pháp tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng tính răn đe; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, tập trung vào ý thức, pháp luật; tác hại, nguy hiểm của việc lái xe khi đã uống rượu, bia để thay đổi hành vi của người dân khi tham gia giao thông.
Thống kê của lực lượng CSGT cho thấy, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 20 - 26/1, CSGT và CA các địa phương xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 35,1% tổng số vi phạm giao thông. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xử phạt tăng 6.620 trường hợp, tăng 598%.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-the-cu-nhe-tay-mai-voi-than-con-322216.html