Không thể đi ngược niềm vui của đất nước!
Cả nước đang hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày vui đại thắng. Từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược, từ đất liền tới hải đảo, tất cả đều chung một khí thế sục sôi, nhiệt huyết. 50 năm - một dấu mốc đặc biệt quan trọng kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với 'thế' và 'lực' đã tích lũy được, đây cũng là thời điểm đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong sự phát triển của dân tộc. Vậy nhưng, không ít kẻ lại đang cố tình đi ngược niềm vui chung của toàn dân tộc.
Càng đến gần ngày kỷ niệm 30-4, khí thế sục sôi, tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc càng được lan tỏa rộng khắp. Các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng cùng video clip tập luyện của các khối diễu binh, diễu hành. Chứng kiến từng đoàn quân đi giữa toàn dân, đi trong lòng nhân dân, chúng ta càng thấy rõ tinh thần đoàn kết, keo sơn của toàn dân tộc. Vậy nhưng, một số kẻ lạc lõng lại đang đi ngược niềm vui chung của cả nước. Núp dưới vỏ bọc “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, thông qua mạng xã hội, các đối tượng này đã tung ra không ít luận điệu độc hại. Đặc biệt, chúng cố tình xuyên tạc việc tổ chức lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để bao biện cho luận điệu nêu trên, một số kẻ “giả nhân, giả nghĩa” cho rằng: “đất nước ta còn nghèo, tổ chức diễu binh, diễu hành là vô bổ, chỉ làm lãng phí ngân sách nhà nước, chi bằng mang tiền giúp dân nghèo còn hơn” (?!). Một số kẻ khác lại đưa ra quan điểm: “tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng với các hoạt động diễu binh, diễu hành là không cần thiết, chỉ khoét sâu vết thương chiến tranh” (?!)…
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện chính trị đặc biệt, có quy mô cấp quốc gia, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQVN và TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Vào đúng ngày 30-4-2025, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra chương trình diễu binh, diễu hành, bao gồm: 4 khối diễu hành của khối nghi trượng, 36 khối diễu binh, 12 khối diễu hành của quân đội, công an và các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Cùng với đó là sự tham gia của một số khối diễu binh đến từ các nước bạn. Theo dự kiến, chương trình có sự tham gia của khoảng 6.000 khách mời Trung ương và quốc tế, nhân dân.
Tổ chức lễ kỷ niệm cùng các hoạt động diễu binh, diễu hành chắc chắn không phải là hoạt động “vô bổ”, “lãng phí” như giọng điệu được giới “dân chủ” rêu rao.
Ngân sách chi cho các hoạt động kỷ niệm được Đảng, Nhà nước xem xét, cân nhắc kỹ, phù hợp với khả năng thực tiễn trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm trang trọng, thiết thực và hiệu quả.
Diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, góp phần khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; sự phát triển lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, dân quân tự vệ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm nói chung và diễu binh, diễu hành nói riêng góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, bất khuất của quân và dân ta; thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó khơi dậy, nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định ý chí quyết tâm vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, đây cũng là một cách để khẳng định “thế” và “lực” quốc gia, nâng tầm vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.
Và cũng phải nói thêm, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, đơn vị đã tổ chức hàng loạt hoạt động tri ân, chăm lo người có công, đối tượng chính sách, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhìn về quá khứ không phải để “khoét sâu vết thương chiến tranh” mà là cách để nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam hôm nay hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do đã phải đánh đổi bằng tuổi xuân, xương máu của biết bao thế hệ. Trân trọng quá khứ để chúng ta tiếp tục củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy khát vọng cống hiến, khích lệ, động viên nhân dân nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Ôn lại những trang vàng vẻ vang của lịch sử, chứng kiến “sức mạnh quốc gia” ở thời điểm hiện tại là cách để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.