Không thể kiểm toán Công ty nước sạch sông Đuống dù vay 4.000 tỷ
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói dự án xã hội hóa dịch vụ công như Nhà máy nước sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán, vì đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý.
Câu chuyện Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa từ Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm gây nhiều thông tin trái chiều thời gian qua. Mức giá này được cho là cao hơn mặt bằng chung của giá bán lẻ, chênh lệch so với giá của đơn vị khác cung cấp cùng mặt hàng trên địa bàn thành phố.
Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần thanh tra, kiểm toán rõ giá dịch vụ công như nước sạch để tăng tính minh bạch và tạo được sự đồng thuận.
Tài sản tư nhân nên không kiểm toán được
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay với dự án xã hội hóa dịch vụ công như Nhà máy nước sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán Nhà nước. Bởi đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân.
Song, theo ông Phớc, hiện tồn tại bất cập trong quản lý Nhà nước với loại hình dịch vụ công được xã hội hóa là khi giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung.
“Tồn tại này là do quá trình đàm phán của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền và nhà đầu tư”, ông giải thích.
Trong trường hợp này, ông Phớc cho rằng cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính - Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ.
Tổng Kiểm toán nhấn mạnh với loại hình dịch vụ công được xã hội hóa như nước sạch, nhà chức trách cần rà soát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ...
“Trường hợp nước sạch sông Đuống nếu kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đã không xảy ra việc giá nước dự án này chênh tới vài nghìn đồng so với mặt bằng giá chung”, Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.
Phải làm rõ cách tính giá
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng tất cả dịch vụ công, nếu cho tư nhân vào đầu tư thì phải đưa ra giá cả hợp lý nhất.
“Tất cả lĩnh vực đều phải minh bạch và phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì người dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa”, ông Sinh nói.
Trong câu chuyện về giá nước tăng cao, đại biểu Đỗ Văn Sinh cảnh báo nếu không minh bạch sẽ dễ xảy ra những "nghi ngờ" như một số dự án BOT.
“Tôi nghĩ nếu minh bạch ngay từ đầu thì người dân sẵn sàng chấp nhận”, ông Sinh nói.
Về thông tin nghi vấn quanh chuyện cạnh tranh không lành mạnh trong câu chuyện giá nước sạch sông Đuống, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng phải thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm rõ thông tin cũng như cách tính giá nước chứ không phải là chỉ bàn về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, môi trường.
Ông cũng nêu vấn đề khi dư luận đặt câu hỏi tại sao Hà Nội phê duyệt giá mua nước của công ty này chênh lệch lớn so với đơn vị khác. Lãnh đạo Hà Nội vì thế phải có trách nhiệm giải trình bởi tiền ngân sách bù lỗ được lấy từ tiền thuế của dân.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, nếu không kiểm soát được giá, độc quyền Nhà nước sẽ biến thành độc quyền tư nhân và một dự án cấp nước sạch có thể bị biến thành "sân sau".
Cao hơn nhiều so với giá nước sông Đà
Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống là doanh nghiệp được thành lập với hoạt động chính sản xuất và cung cấp nước.
Tổng vốn đầu tư cho dự án nước mặt sông Đuống là gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD), trong đó vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.
Ngày 12/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi giao ban báo chí với nội dung Công ty nước sạch sông Đuống thông tin về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố.
Ông Võ Tuấn Anh, Phó chánh Văn phòng UBND Hà Nội, cho biết quy mô thực hiện dự án trong giai đoạn 1 đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, giai đoạn 2 đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m3 và giai đoạn 3 đến năm 2030 là 900.000 m3. Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 xong giai đoạn 1, vượt tiến độ 1 năm.
Nói về cơ sở tính toán giá bán nước sạch sông Đuống, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết năm 2017, UBND Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa nhà máy sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Mức giá mua nước của nhà máy nước sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch sông Đà. Công ty nước sạch sông Đà cấp nước với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn.
Theo Giám đốc Sở Tài chính, đây là mức giá tạm tính tối đa, còn mức giá cụ thể phải chờ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức. Về việc giá nước sạch sông Đuống cao hơn sông Đà, ông Hà giải thích do nhiều yếu tố như công nghệ, hiệu suất đầu tư và chất lượng nguồn nước thô...