Không thể phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ
Trong suốt quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hòng phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến tới mưu toan phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian qua, các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc, bịa đặt thông tin để phủ nhận vai trò, hạ thấp uy tín của Đảng. Trong đó, nguyên tắc tập trung dân chủ cũng là mục tiêu công kích của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị.
Một trong những âm mưu cực kỳ thâm độc, nguy hiểm, đó là các thế lực thù địch “tấn công”, phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất, chặt chẽ về mặt tổ chức lẫn hoạt động của Đảng, làm cho Đảng tan rã cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Chúng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, “núp bóng dân chủ”, “đội lốt nhân quyền” tung chiêu bài “thư ngỏ”, “góp ý”, “hội thảo khoa học” để rêu rao rằng: “Tập trung và dân chủ là 2 mặt không thể thống nhất, “đã tập trung thì không thể có dân chủ, đã dân chủ thì không thể tập trung”, “tập trung với dân chủ như lửa với nước”, “bởi vậy, hoặc chỉ có tập trung, hoặc chỉ có dân chủ (!?)”.
Thực chất, các quan điểm này muốn tách rời tập trung với dân chủ, phủ nhận một mặt nào đó để xuyên tạc rằng, Đảng ta quan liêu, độc đoán, chuyên quyền hoặc dân chủ vô chính phủ, muốn làm suy giảm sức chiến đấu, uy tín của Đảng ta. Thực tiễn chứng minh, tập trung và dân chủ có quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau, không thể tách rời, càng không thể đối lập. Tập trung trên cơ sở dân chủ, nhưng dân chủ phải có sự lãnh đạo để bảo đảm tập trung. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát huy. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, tập trung dân chủ luôn là nguyên tắc “rường cột” của Đảng, không ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với sự vận động, phát triển của tình hình cách mạng, đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay là minh chứng khẳng định: Không thể phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định phải “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản...”. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đường lối lãnh đạo đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam tập hợp quần chúng Nhân dân đoàn kết, anh dũng đứng lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Sau đó, viết tiếp bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Đặc biệt, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, diện mạo đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đời sống Nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước; quốc phòng - an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Do đó, không có lý do để Việt Nam từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, hay phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thay đổi mục tiêu, thay đổi chế độ.
Bảo vệ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự tồn vong của chế độ XHCN ở nước ta. Trước sự chống phá quyết liệt của thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, để bảo vệ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và xã hội, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự là biểu tượng về dân chủ, kỷ cương, kỷ luật; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tự giác nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh, kịp thời tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.