Không thể 'phủi' trách nhiệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa giả.
Trong khi người đứng đầu Chính phủ dù bận trăm công nghìn việc vẫn quan tâm sâu sát tới diễn biến vụ việc, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, thì các bộ, ngành được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm lại đang cố “nhảy ra khỏi vòng”, đùn đẩy né tránh trách nhiệm.
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho rằng, việc hàng trăm sản phẩm sữa giả có thể lưu thông trên thị trường trong suốt thời gian dài không thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương. Còn Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực trong liên ngành quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm lại phân bua rằng, sở dĩ cơ quan này “không biết” là vì việc quản lý và hậu kiểm đã giao cho địa phương theo đúng quy định của pháp luật (?).
Để minh chứng sự vô can, lãnh đạo thuộc Bộ Công thương khẳng định: Các sản phẩm sữa giả bị phát hiện không thuộc danh mục hàng hóa Bộ Công thương quản lý, cơ quan này chỉ có trách nhiệm quản lý các loại sữa chế biến thông thường, không bao gồm sản phẩm bổ sung vi chất, hay thực phẩm chức năng có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nằm trong phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Còn thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp do địa phương cấp theo quy định của Luật Doanh nghiệp...
Hiểu một cách đơn giản, theo lý giải của Bộ Công thương và Bộ Y tế thì hai cơ quan này không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào trong vụ việc gần 600 loại sữa giả lưu thông trên thị trường suốt 4 năm qua. Nếu phải truy cứu trách nhiệm của ai đó thì cũng chỉ là của địa phương và bản thân các doanh nghiệp sản suất sữa giả. Song, nếu lý luận kiểu như các bộ thì địa phương cũng có thể “tự bảo vệ”, phủi sạch trách nhiệm bằng việc viện ra quy định “hậu kiểm” hàng hóa, chỉ tiếp nhận bản tự công bố nên khó phát hiện sản phẩm giả.
Người xưa từng nói “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Câu thành ngữ xưa quả rất đúng trong trường hợp này. Theo quy định, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng các địa phương là liên ngành đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả lưu thông gây hại cho người tiêu dùng. Liên quan đến vấn đề này, mới đây ở Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ ba, khóa X, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ví von hết sức hài hước: Một mâm cơm có tới năm người quản lý, để rồi khi xảy ra vấn đề lại chẳng phải lỗi của ai.
Còn một số luật sư, chuyên gia luật lại cho rằng, việc các bộ, ngành, địa phương phủi sạch trách nhiệm trong vụ việc gần 600 sản phẩm sữa giả lưu hành suốt thời gian dài không phải là không có lý lẽ của họ. Đơn giản là bởi lỗ hổng để rất nhiều con voi có thể chui lọt qua lỗ kim không chỉ ở chỗ có quá nhiều cơ quan cùng quản lý một việc dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ rồi thiếu trách nhiệm mà còn ở quy định “hậu kiểm”. Bản chất của “hậu kiểm” là giảm sự nhũng nhiễu, phiền toái, tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp phát triển, nhưng nếu cơ quan quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm thì tai hại vô cùng.
Hiện chỉ có thuốc chữa bệnh là quy định “tiền kiểm”, còn các loại thực phẩm chức năng đều là “hậu kiểm” nên các doanh nghiệp chỉ việc tự công bố thành phần sản phẩm hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường. Hiểu một cách đơn giản, nếu không xảy ra “cháy nhà, chết người” thì các cơ quan quản lý nhà nước cho dù là 4 năm hay 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa cũng không thể phát hiện được hàng giả. Chỉ khi có ai đó bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, nguy hiểm tới tính mạng, lúc đó mọi sự mới vỡ lở.
Nói như vậy không có nghĩa “bàn lùi” về chủ trương “hậu kiểm” nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Song, cũng cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng việc những loại hàng hóa nào được “hậu kiểm” và loại nào buộc phải “tiền kiểm” để đảm bảo sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Đơn cử như trong vụ việc này, nhiều loại sữa giả đã “chui” vào một số bệnh viện một cách hợp pháp được các bác sĩ kê đơn, chỉ định cho người bệnh sử dụng, khiến họ không chỉ tốn kém vô ích mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vậy nên, cho tới khi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc có đưa các loại thực phẩm chức năng vào danh sách “tiền kiểm” hay không thì hiện tại các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải “căng ra” để “hậu kiểm” cho tốt, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng. Khi đã xảy ra vấn đề nhức nhối dư luận như vụ việc gần 600 sản phẩm sữa giả bị phát hiện, mỗi cá nhân, đơn vị có liên quan cần cầu thị đứng ra nhận trách nhiệm chứ không phải “phủi sạch” như vậy.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-the-phui-trach-nhiem-10304002.html