Không thể tăng năng suất bằng tăng giờ làm
Người lao động có quyền được lao động, làm việc để có thu nhập nhưng cũng có quyền được nghỉ ngơi, học tập, giải trí và tham gia vào các mối quan hệ xã hội
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), vấn đề thỏa thuận mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) vẫn nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nếu như phía ủng hộ đưa ra lý do là tăng giờ làm thêm sẽ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và phù hợp với nguyện vọng tăng thu nhập của người lao động (NLĐ) thì phía phản đối cũng có lý do thuyết phục là không tăng để bảo đảm sức khỏe NLĐ về lâu dài.
Hạn chế sự cạnh tranh của doanh nghiệp?
Phát biểu tại hội thảo góp ý dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức vào sáng 9-10, ông Nguyễn Bá Trân, đại diện Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, cho biết DN ủng hộ phương án mở rộng khung giờ làm thêm tối đa. Theo ông Trân, quy định về số giờ làm thêm hiện hành hạn chế tính cạnh tranh của DN, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, nhất là vào mùa cao điểm do khó tuyển thêm lao động. Do vậy, cần mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ hoặc hơn.
Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, đại diện Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM, cũng ủng hộ việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa không quá 400 giờ/năm để DN linh hoạt trong việc bố trí giờ làm thêm phù hợp với tình hình sản xuất, từng thời điểm và đặc thù từng ngành nghề, góp phần tăng thu nhập của NLĐ. Ông Thanh cũng kiến nghị nên bỏ giới hạn số giờ làm thêm theo tháng, chỉ giới hạn thời gian làm thêm tối đa trong ngày và năm.
Về đề xuất giảm giờ làm cho NLĐ còn 44 hoặc 40 giờ/tuần, đại diện VCCI cũng không tán thành và cho rằng xét về góc độ kinh tế là không có lợi. "Theo tìm hiểu của VCCI, việc giảm giờ làm sẽ khiến GDP giảm 0,8% và gây khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh vì toàn bộ dây chuyền sản xuất của DN được thiết kế theo thời gian làm việc 48 giờ/tuần nên nếu thay đổi sẽ phải thay đổi thời gian làm việc, ca, kíp và phải bổ sung thêm lực lượng lao động để bảo đảm đạt năng suất như thời gian làm việc trước đó" - ông Thanh nêu.
Làm thêm giờ: Lợi bất cập hại
Trái ngược với cách nhìn của đại diện VCCI và các DN, ông Nguyễn Gia Hiến, Phó Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO), cho rằng hiện nay các DN đang rất chú trọng đến vấn đề tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, không thể tăng năng suất bằng cách tăng giờ làm thêm đối với NLĐ. "Từng là lao động trực tiếp sản xuất nên tôi biết có những thời điểm tiền lương tăng ca của NLĐ còn cao hơn lương chính thức. Để có thu nhập như vậy, họ phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến khuya, cả ngày không thấy ánh mặt trời. Thực tế khi phải làm việc nhiều giờ trong ngày, sức khỏe NLĐ giảm sút dẫn đến năng suất lao động giảm, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu và DN chính là người chịu thiệt hại. Do vậy, tôi đề nghị không nên mở rộng thời gian làm thêm giờ để bảo đảm sức khỏe NLĐ" - ông Hiến kiến nghị. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN vào mùa cao điểm, ông Hiến cho rằng nên xem xét để DN điều chỉnh thời gian tăng ca linh động hơn, không nên cứng nhắc chỉ được tăng ca không quá 30 giờ/tháng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng không ủng hộ phương án tăng giờ làm thêm đối với NLĐ. Theo bà Tâm, khi muốn mở rộng khung giờ làm thêm tối đa cần xét đến tiêu chí ưu tiên đó là quyền con người và đặt trong tổng thể nền kinh tế cũng như mối quan hệ quốc tế. Nếu quy định đặt ra chỉ để giải quyết vấn đề kinh tế trước mắt hay giải quyết bài toán tăng năng suất lao động sẽ rất dễ đưa ra chính sách không phù hợp, sẽ tạo ra sức ì cho DN và họ sẽ không chịu đầu tư đổi mới công nghệ. Thực tế cho thấy số DN hiện nay chịu đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Mặt khác, bản thân NLĐ không thể tự tạo nên giá trị và năng suất lao động mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường lao động, tư liệu lao động… từ phía DN. Do đó, NLĐ được chăm lo tốt, được tạo điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động tốt thì năng suất lao động tăng, mà năng suất lao động sẽ làm nên giá trị của chính DN đó. "Một trong những lý do đưa ra khi đề xuất tăng khung giờ làm thêm tối đa là đáp ứng nhu cầu tăng thu nhập của NLĐ. Thế nhưng khi nêu lý do này, tại sao chúng ta không đặt vấn đề trách nhiệm DN trong việc cải thiện thu nhập cho NLĐ, vốn được xem là tài sản vô giá của DN, để họ đủ sống chứ không phải "cày" mười mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày. Con người có quyền được nghỉ ngơi, học tập, giải trí và tham gia các mối quan hệ xã hội... Xu thế chung của thế giới là giảm giờ làm, tăng tiền lương, nước ta đi ngược lại là khó chấp nhận" - bà Tâm bày tỏ. Từ góc nhìn nhân văn này, bà Tâm cho rằng khi xây dựng chính sách phải nhìn một cách toàn diện, phù hợp với xu thế phát triển xã hội. Chính sách được xây dựng phải tiến bộ hơn trước, còn nếu thụt lùi là tiêu cực.
Cần quan tâm đến lao động lớn tuổi
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết thị trường lao động hiện nay đang xảy ra một thực trạng đó là sau nhiều năm làm việc trong các ngành nghề thâm dụng lao động, sức khỏe bị bào mòn, hàng loạt NLĐ ở độ tuổi trên 45 bị DN kiếm cớ tái cơ cấu, tổ chức lại nhân sự và đẩy ra đường. Đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm mới, đồng thời chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, khiến mục tiêu an sinh xã hội của Chính phủ khó thực hiện được. Do đó, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp đối với lực lượng lao động này để họ được tiếp tục làm việc phù hợp trình độ, điều kiện sức khỏe cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.