Không thể thiếu đất cho văn hóa
Trên Facebook của một đạo diễn nổi tiếng mới đây có đăng tải một bài viết, kèm theo clip ngắn về rạp Lệ Thanh ở TP Hồ Chí Minh, một địa chỉ văn hóa lâu năm đã gắn bó với người dân thành phố từ những năm trước giải phóng và xuyên suốt cả một thời kỳ bao cấp, đổi mới… Bài viết ấy đã chạm vào rất nhiều khán giả và cả những người làm nghề, những tay bút theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật lão làng.
Đã từ lâu lắm rạp Lệ Thanh không còn sáng đèn thường xuyên. Đó là tình trạng chung của cả nước khi mà nhịp sống hối hả của thời đại đã thay đổi với nhiều loại hình giải trí cá nhân khác nhau. Câu chuyện mỗi đoàn nghệ thuật gắn bó với một nhà hát như "thủ phủ" của mình cũng đã mai một và hiếm hoi dần. Và khi đã không sáng đèn thường xuyên, rạp Lệ Thanh xuống cấp cũng là chuyện thường.
Trước dịch COVID-19, nghệ sĩ múa Tấn Lộc đã quyết định thuê rạp Lệ Thanh để làm studio cho nhóm múa Arabesque của mình. Ngoài ra, Arabesque cũng sử dụng rạp Lệ Thanh như một điểm biểu diễn các vở múa nhỏ, các workshop giao lưu với các nghệ sĩ múa nước ngoài hay các tài năng múa trẻ. Có thể nói, Tấn Lộc đã ấp ủ thổi lại sức sống cho Lệ Thanh và biến nó thành cái nôi mới cho múa đương đại TP Hồ Chí Minh. Do đó, Tấn Lộc đã không ngại ngần đầu tư hơn 3 tỷ đồng để nâng cấp lại Lệ Thanh, khiến nó khang trang hơn hẳn.
Nhắc đến các đóng góp về biên đạo múa của Tấn Lộc, chắc chắn chúng ta sẽ biết đến series "À Ố show" lừng danh (hợp tác cùng Tuấn Lê), luôn cháy vé ở nhà hát Thành phố và thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, Tấn Lộc cùng Arabesque cũng khá thường xuyên mang các vở múa đương đại như "Tích Tắc", "Sương sớm" đi lưu diễn ở nước ngoài. Có thể nói không ngoa, Arabesque xứng đáng là một biểu trưng văn hóa nghệ thuật đương đại của TP Hồ Chí Minh hôm nay.
Nhưng chỉ sau khi dịch COVID-19 mới qua đi được 1 năm, khi mà mọi ngành nghề còn đang vật vã để khôi phục lại, Arabesque đã phải nhận "trát" từ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh yêu cầu rời khỏi Lệ Thanh.
Quan điểm của Sở là rạp Lệ Thanh là đất công nên không thể cho tư nhân thuê. Về lý, Sở đang làm đúng các quy định của nhà nước. Song, đó là cái lý cứng nhắc. Nếu bên cho thuê không phải là một đoàn múa, mà chỉ là một đơn vị kinh doanh đơn thuần, việc yêu cầu chấm dứt cho thuê là bắt buộc, thậm chí có thể xử lý sai phạm. Nhưng đằng này, Arabesque lại đang là một "đặc sản" nghệ thuật của TP Hồ Chí Minh và họ thuê rạp để làm đúng chức năng của chính cái rạp ấy là hoạt động nghệ thuật. Vậy thì tại sao không có một cơ chế mềm mại hơn, đảm bảo dung hòa được mọi lợi ích mà vẫn không vi phạm các quy định của nhà nước? Trong khi đó, ngay giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh, đang đầy rẫy các cơ sở văn hóa đang cho thuê đất công mà điển hình là Nhà văn hóa Thanh Niên với một loạt cafe, nhà hàng vây kín. Liệu, cách xử lý ấy của Sở Văn hóa và Thể thao đã khiến người ta tâm phục khẩu phục hay chưa?
Và xét rộng ra, chúng ta thấy rõ một vấn đề nổi cộm là TP Hồ Chí Minh đang thiếu một địa điểm thực sự dành cho văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thể nghiệm. Quỹ đất đô thị là hiếm nhưng chỉ hiếm cho ngành bất động sản mà thôi chứ không thể hiếm cho bộ mặt văn hóa của thành phố. Liệt kê lại, còn bao nhiêu cơ sở văn hóa kiểu như rạp Lệ Thanh bị bỏ không, thậm chí đang cho tư nhân thuê? Trong khi đó, những người làm văn hóa thực sự, đóng góp không ngừng nghỉ cho nghệ thuật TP Hồ Chí Minh nói riêng và nước nhà nói chung lại đang trong cảnh "vô gia cư".
Có thể thiếu quỹ đất để xây dựng building nhưng không thể thiếu quỹ đất cho văn hóa. Đó phải là trăn trở của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, một địa phương mấy năm gần đây khá ồn ào về đất.