Không thể thờ ơ

Cộng đồng mạng dậy sóng trước hình ảnh va chạm giữa xe tắc xi và xe máy trong đêm khuya khoắt Sài Gòn.

Cô gái trẻ nằm bất động giữa đêm gióng lên hồi chuông về sự thờ ơ trước hoạn nạn của người khác

Cô gái trẻ nằm bất động giữa đêm gióng lên hồi chuông về sự thờ ơ trước hoạn nạn của người khác

Hai nạn nhân đi xe máy văng vào vỉa hè, người đàn ông còn cử động nhưng cô gái nằm bất động. Tài xế taxi xuống nhìn rồi lên xe đi. Một vài người qua đường cũng vậy mặc cho người đàn ông giơ tay cầu cứu và cô gái nằm bất động đến 15 phút và sau đó tử vong.

Tại một diễn biến khác cùng gần thời điểm, một thanh niên đi xe máy, va chạm với đứa trẻ từ trong ngõ chạy ra. Người thanh niên đi xe máy vội vã đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Trong khi anh đang trả tiền bệnh viện thì một nhóm 3 người xông tới, tự xưng là người nhà đứa trẻ, lao vào đánh đấm, đạp đá khiến người thanh niên tử vong. Bảo vệ của bệnh viện chứng kiến từ đầu đến cuối mà không can thiệp được gì, đợi đến lúc anh thanh niên bất động hoàn toàn mới gọi xe cấp cứu. Còn đứa trẻ chỉ bị xây xát nhẹ, được bác sỹ thăm khám kịp thời, không hề hấn gì.

Hai sự việc đều gây cho chúng ta cảm giác đớn đau, phẫn nộ và bất lực trước cái chết của đồng loại mà không làm được gì. Còn những người chứng kiến tận mắt cái chết kia mà không hề cứu giúp hoặc can thiệp là sao? Họ vô cảm hay sợ hãi “tai bay vạ gió”, họ thờ ơ hay tình thế buộc họ phải quay mặt đi? Mỗi người chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó và suy xét xem, ta sẽ hành động như thế nào. Dứt khoát là số đông chúng ta không bỏ đi như người lái tắc xi gây tai nạn kia và cũng không chỉ đứng nhìn như những nhân viên bảo vệ bệnh viện nọ. Bởi đơn giản, đó là trách nhiệm phải làm, phải hành động, nếu không, đó là tội lỗi.

Thế nhưng, có lẽ không ít người chúng ta cũng hành động giống như những người qua đường kia, tránh đi để khỏi bị phiền phức, bởi nếu vào cứu biết đâu lại bị vu oan, giá họa?. Cái trường hợp của người thanh niên đi xe máy có trách nhiệm, có sự tử tế, có lương tâm và có giáo dục kia đã nhận một cái chết tức tưởi chính là cú tát vào đạo lý, vào sự tử tế đồng thời cũng là câu trả lời cho tình trạng tại sao người ta lại phải thờ ơ trước một tai nạn hoặc một lời cầu cứu từ đồng bào, đồng loại. Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ một học sinh trung học ở Đắk Lắk cứu giúp một ông già đột quỵ giữa đường rồi bị vu là gây tai nạn giao thông, bị bắt giam và lỡ mất một kỳ thi tốt nghiệp.

Sự tử tế sẽ không còn đất sống bởi sự xâm thực của thói ích kỷ, lòng tốt không thể chống lại thói côn đồ, tinh thần vị tha bị mai một bởi thói vô cảm đã ngự trị trong mọi mối quan hệ giữa người với người. Chỉ động lòng thương cảm khi đồng loại đã chết rồi thì phỏng có ích gì?! Sự thờ ơ của chúng ta trước việc của người khác hôm nay, tất là hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu, xảy ra đến với chính chúng ta trong ngày mai. Vì thế, không thể thờ ơ, vô cảm trước cái ác, cái xấu và bất công xã hội.

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/khong-the-tho-o-459556.html