Không thể ứng xử kiểu cùn
Người điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ngày càng nhiều, trong đó có không ít người khi bị lực lượng chức năng phát hiện đã không hợp tác gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.
Xảy ra tình trạng này vì theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Đây là mức phạt khá cao, trong khi không ít phương tiện của người vi phạm có giá trị dưới mức này, nên người vi phạm cố tình không ký biên bản vi phạm, bỏ xe lại. Thậm chí có người vi phạm còn công khai việc làm sai trái này trên nhiều diễn đàn làm cho nhiều người hiểu sai vấn đề, thậm chí học theo khi vi phạm. Đây là một trong những biểu hiện xem thường pháp luật, cho thấy nhận thức thấp kém của người vi phạm. Trong khi pháp luật ngày càng được hoàn thiện theo hướng nghiêm minh, sát thực tế hơn, thì đối tượng mà quy định pháp luật áp dụng lại cho thấy một bước lùi.
Tuy nhiên, sự tính toán chỉ là ý chí cá nhân, thể hiện việc thiếu hiểu biết pháp luật của người vi phạm. Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc bỏ phương tiện lại, trốn tránh thực hiện quyết định xử phạt thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì biên bản vẫn được lập và có giá trị nếu được làm chứng. Nếu quá 10 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt mà người vi phạm vẫn cố tình không nộp phạt, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng các biện pháp như khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
Quy định của pháp luật cho thấy sự chặt chẽ và rõ ràng. Người vi phạm đang ứng xử tùy tiện, bột phát như thế có lẽ là do họ chưa biết quy định.
Để hạn chế tình trạng người vi phạm ứng xử theo kiểu cùn, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu quy định của pháp luật, cơ quan chức năng cần nghiên cứu có biện pháp xử lý mạnh hơn, không chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, mà nếu có cơ sở thì xem xét cả về tội danh chống đối người thi hành công vụ chẳng hạn, để làm gương răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khong-the-ung-xu-kieu-cun-30184.htm