Không thể xin lỗi là xong
BPO - Những ngày qua, cái tên Nguyễn Thị Lệ Nam Em đã trở thành từ khóa “hot”, thu hút hàng triệu lượt người tìm kiếm và quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội. Sau những lần livestream kèm theo ngôn từ thiếu chuẩn mực đến mức “bất ổn”, mới đây người mẫu này còn có phát ngôn không phù hợp khi nhắc đến Bác Hồ trong một buổi livestream. Vì thế, người đẹp có trí tuệ tỷ lệ nghịch với chiều dài của đôi chân đang phải đối mặt với những “luồng sóng” phẫn nộ chỉ trích dữ dội từ dư luận cũng như cộng đồng mạng. Không ít người đã thẳng thắn phản đối gay gắt rằng, đó là hành vi không thể tha thứ, không thể chấp nhận, không thể cứ vi phạm rồi xin lỗi là xong…, vì đã bôi nhọ, xúc phạm đến Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thị Lệ Nam Em nổi tiếng với danh hiệu hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2015 và từng lọt vào top 8 cuộc thi Miss Earth 2016. Gần đây, Nam Em thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng thông qua các buổi livestream vì trong đó cô đã không ngần ngại đề cập đến những góc khuất của giới showbiz. Mới đây, trong một lần livestream, có một số người đã nói về lịch sử tù tội của người chồng đang ngồi cạnh Nam Em, cô này đã phản pháo rằng: “Ủa bạn, Bác trước đây cũng đi tù chứ sao?”. Đoạn livestream này ngay lập tức trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội, thế nhưng lại có người cho rằng, việc Nam Em không nói rõ việc “Bác” nào nên rất khó để xử lý về mặt luật pháp. Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ hay một lý sự cùn của một vài fan hâm mộ nào đó nhằm biện minh cho cô ta.
Sự thật đã được phơi bày vì ngay sau đó, ngày 22-2-2024, trên facebook cá nhân có hơn 800 ngàn lượt theo dõi, chính Nam Em đã đăng bài viết xin lỗi “lãnh tụ vĩ đại Bác Hồ kính yêu lời xin lỗi chân thành và sâu sắc nhất”. Sự việc đã quá rõ ràng, việc hoa khôi Nam Em nhắc đến danh từ “Bác” trong đoạn livestream nêu trên là Bác Hồ. Trong bài viết này, Nam Em đã lý giải vì không đủ bình tĩnh để “anti-fan” kích động dẫn tới có những lời nói thiếu suy nghĩ và tỉnh táo, gây ồn ào, ảnh hưởng đến mạng xã hội trong những ngày qua. Và cô đã thừa nhận rằng: “Tôi đã không làm tốt trách nhiệm của một công dân ưu tú làm ảnh hưởng tiêu cực đến mạng xã hội những ngày qua. Tôi đã không hoàn thành tốt việc học tập, yêu bản thân mà thay vào đó là bám chấp vào những tổn thương của quá khứ. Tôi xin chịu mọi trách nhiệm với luật pháp”.
Ở ngay phía dưới lời xin lỗi, Nam Em còn đưa ra những chia sẻ về việc mong phía cơ quan chức năng có thẩm quyền cần “có hình phạt xử lý nghiêm minh cho những cá nhân, tổ chức đã, đang và sẽ gây nguy hại đến thế hệ trẻ mai sau vì hành vi cổ xúy cho việc dùng mạng xã hội để công kích, quấy rối gây ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể. Khuyến khích cho mọi người kích động người khác để đạt được mục đích của cá nhân, tập thể”. Tuy nhiên, những nội dung nêu trên đã không nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhiều cư dân mạng cho rằng, Nam Em đã thông qua lời xin lỗi để biện minh cho hành vi sai trái của mình bằng việc đổ lỗi cho các “anti-fan” nhiều hơn là tự nhận lỗi. Vì trong sự việc này cho thấy, Nam Em là người chủ động mở các buổi livestream khi không có bất cứ ai nhắc tên hay động chạm đến cô. Do đó, việc cô vô cớ lộng ngôn rồi đổ lỗi cho thế lực vô hình nào đó mượn danh “anti-fan” kích động mình cũng là điều không thể chấp nhận và cũng không thể tha thứ.
Sau sự việc này, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay trên không gian mạng vẫn thường xảy ra sự việc một số người nổi tiếng có ứng xử không đúng đắn, thiếu chuẩn mực, thậm chí là thiếu văn hóa. Tuy nhiên, không một ai dám bất kính hay xúc phạm đến những nhân vật lịch sử có công lớn đối với nhân dân và đất nước, đặc biệt là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Vì thế, ngày 1-3-2024, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng 37,5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Quyết định xử phạt nêu trên căn cứ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Vẫn biết rằng việc sử dụng mạng xã hội là quyền của mọi công dân, nhưng mỗi người khi tương tác trên môi trường mạng phải tuân theo kỷ cương phép nước bằng việc ứng xử văn minh và có trách nhiệm. Điều đó có nghĩa là không thể tự do muốn nói xấu hay xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ai trên mạng cũng được. Chính vì làm trái với điều này mà Nam Em đã phải trả giá cho hành vi tự rước họa vào thân. Và mới đây, cái giá quá đắt bởi vạ hình, vạ miệng của người mẫu Ngọc Trinh, nhà báo Hàn Ni, bà Phương Hằng…, là những tấm gương cho mọi người. Vậy nên, chẳng riêng Nam Em, mà tất cả những ai nếu không tự kiểm soát rồi phát tán những thông tin “bóc phốt” người khác nhưng không có bằng chứng, hay nói xấu, xúc phạm người khác thì chắc chắn sẽ rơi vào “vòng xoáy” của kiện tụng và lao tù. Bởi lẽ ở Việt Nam, tự do ngôn luận phải tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và cao hơn nữa là phải bảo vệ an ninh quốc gia.
Điều đáng nói là những hành vi nêu trên đã và đang vô tình nối giáo cho những thế lực thù địch, những kẻ phản động, bất mãn và cơ hội chính trị. Ngay sau khi các sự việc xảy ra, chúng không cần biết đúng hay sai mà vội vàng phát tán trên mạng xã hội những dòng trạng thái, video clip cắt ghép với nội dung bẻ cong sự thật nhằm bênh vực cho những đối tượng có hành vi sai trái. Thâm độc hơn, chúng còn xuyên tạc, bịa đặt các quy định pháp luật của Việt Nam, qua đó vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Bằng chứng là ngày 20-10-2023, trên trang facebook của mình, tổ chức khủng bố Việt Tân đã phát tán bài viết với tựa đề: “Ngọc Trinh bị bắt”. Nội dung bài viết có đoạn: “Việc Ngọc Trinh biểu diễn môtô rõ ràng là vi phạm pháp luật, nhưng điều gây tranh cãi ở đây là việc bắt giữ và truy tố hình sự liệu có tương xứng với hành vi”?.
Điều đáng buồn là với thủ đoạn mập mờ trắng - đen lẫn lộn, thật - giả trà trộn, lập lờ đúng - sai, nhưng các thế lực xấu đã làm lung lay niềm tin của không ít người nhẹ dạ cả tin. Chính vì thế, mỗi công dân cần nhận thức rõ rằng mạng xã hội có thể là ảo nhưng hậu quả và trách nhiệm có “giá thật”. Và đừng ai quên rằng, nếu chúng ta ứng xử văn minh, nhân văn thì ắt sẽ nhận được năng lượng tích cực. Ngược lại, nếu ai đó phát tán những thông tin tiêu cực, xúc phạm thì bản thân sẽ là người trực tiếp chịu những hậu quả khó lường.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/155007/khong-the-xin-loi-la-xong