Không thể xuyên tạc

BPO - Những ngày đầu tháng 11-2023, khi cài đặt ứng dụng Snapchat trên điện thoại, người dùng mạng xã hội ở Việt Nam rất bức xúc khi thấy bản đồ của ứng dụng hiển thị “đường lưỡi bò”. Cụ thể là, khi truy cập vào tính năng bản đồ ở chế độ khám phá thông thường sẽ không nhận ra điều bất thường. Nhưng khi xem bản đồ ở chế độ vệ tinh, sẽ xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp. Một số người dùng ứng dụng Snapchat đã chụp màn hình và gửi ý kiến đến Snapchat, song đã mấy tuần lễ trôi qua vẫn chưa có phản hồi. Vì thế, cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam đã kêu gọi tẩy chay ứng dụng Snapchat. Đây tiếp tục là hành động vi phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam mà một số nhà mạng, thương hiệu thời trang và các cá nhân nghệ sĩ nước ngoài đã cố tình thực hiện thời gian qua.

“Đường lưỡi bò” là câu chuyện phi lý nhất mà Trung Quốc vẫn “kể” nhiều năm qua trước sự cực lực phản đối không chỉ của các quốc gia có chủ quyền liên quan trên biển Đông mà rất nhiều quốc gia không có chủ quyền ở biển Đông cũng phản đối. Những “yêu sách” của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” bắt đầu từ một bản đồ của Trung Hoa Dân quốc xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948. Sau này, cả Đài Loan và Bắc Kinh đều dựa vào tấm bản đồ này để biện minh cho yêu sách về vùng biển “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Dù không có căn cứ pháp lý, họ vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tất cả vùng nước và tài nguyên nằm trong vùng biển này - cho dù cả Trung Quốc và Đài Loan đều mập mờ với các tuyên bố không rõ ràng. Về phía Trung Quốc, từ trước tới nay chưa bao giờ đưa ra được cơ sở pháp lý thuyết phục nào về “đường lưỡi bò” mà chỉ viện đến cái gọi là “cơ sở lịch sử” - tấm bản đồ thời Trung Hoa Dân quốc. Nhưng ngay cả những “cơ sở lịch sử” mà họ đưa ra cũng không thuyết phục được bất cứ ai. Thậm chí các học giả Trung Quốc cũng không nhất trí được với nhau về tính pháp lý của vùng biển bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò” này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do và bị chi phối chủ yếu bởi quyền lợi, một số nghệ sĩ danh tiếng của màn ảnh Hoa ngữ hay các nhà mạng, các nhãn hàng thời trang lại vô tình hoặc cố ý ủng hộ, cổ xúy “đường lưỡi bò”.

Năm 2019 có thể được xem là năm Trung Quốc mở rộng chiến dịch quảng bá “đường lưỡi bò” phi pháp. Theo đó, một số diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó có Phạm Băng Băng, Lý Dịch Phong, Lý Thần, Lục Nghị, rồi Lưu Diệc Phi... đồng loạt tham gia chiến dịch ủng hộ “đường lưỡi bò”. Tiếp đó, hàng loạt vụ việc thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc bị phát hiện. Cũng năm 2019, hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện 4 giây trong bộ phim chiếu rạp “Người tuyết bé nhỏ” - một bộ phim phiêu lưu hoạt hình trên máy tính, công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto. Lập tức, bộ phim này bị cấm chiếu tại các rạp của Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 10-7-2023, bộ phim “Hướng gió mà đi” do Trung Quốc sản xuất, chiếu trên các nền tảng trực tuyến như Netflix bị khán giả phát hiện có “đường lưỡi bò”. Cụ thể, ở phút thứ 2, tập 30 của bộ phim này có câu thoại: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Kèm theo câu thoại của nhân vật là hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp. Lập tức, Netflix đã phải gỡ phim “Hướng gió mà đi” và giải trình với cơ quan chức năng.

Có thể nói, “đường lưỡi bò” thoắt ẩn, thoắt hiện ở rất nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Không chỉ giăng mắc trên phim ảnh, trong hội họa hay trong các chiến dịch tâm lý chiến, “đường lưỡi bò” còn len lỏi vào các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao. Tháng 4-2021, hãng thời trang H&M của Trung Quốc đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên các trang web tiếng Trung. Hành động này vấp phải chỉ trích lớn từ người tiêu dùng Việt Nam. Hàng triệu người Việt kêu gọi tẩy chay sản phẩm của H&M và yêu cầu công ty này xin lỗi. Ngoài H&M, nhiều thương hiệu thời trang khác như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Zara, Uniqlo... cũng từng đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website tiếng Trung. Một số doanh nghiệp khác sử dụng bản đồ này trên sản phẩm của mình. Cách đây không lâu, Chi nhánh Volkswagen AG tại Việt Nam bị phạt vì trưng bày ôtô với ứng dụng có bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”. Hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng xuất hiện trong cuốn sách hướng dẫn tour du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trung Quốc được giới thiệu cho du khách tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Thậm chí, “cái lưỡi bò” còn xuất hiện cả trong giáo trình của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… Tất cả những sự việc vi phạm sau khi xảy ra đều đã bị thu hồi sản phẩm và xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên, điều đó cho thấy thủ đoạn tinh vi của chiến dịch truyền thông “đường lưỡi bò” phi pháp, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Có người cho rằng, không nên quá cực đoan trong việc tẩy chay tất cả những thứ liên quan đến “đường lưỡi bò”. Ví như diễn viên Lưu Diệc Phi ủng hộ “đường lưỡi bò”, nhưng bộ phim Hoa Mộc Lan do Lưu Diệc Phi đóng vai chính không có hình ảnh “đường lưỡi bò”, không vi phạm thì chẳng việc gì phải cấm chiếu phim này. Hay như thương hiệu H&M có chất lượng và giá cả phù hợp túi tiền của số đông người Việt thì cũng không nên tẩy chay sản phẩm này… Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, nếu tất cả chúng ta vì một vài cái lợi trước mắt rồi lờ đi những vấn đề tưởng như “không liên quan đến mình” thì sẽ đến lúc thông tin và hình ảnh về “đường lưỡi bò” sẽ “đi đến rất nhiều nơi trên thế giới” - như thông điệp mà nhà sản xuất cố ý truyền đi trong phim “Hướng gió mà đi”. Người Trung Quốc đã dùng “quyền lực mềm” bằng cách đưa “đường lưỡi bò” phi pháp vào các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật; cổ xúy các nghệ sĩ - những người có tầm ảnh hưởng để phổ biến quan điểm sai trái về lãnh thổ và đưa ra tuyên bố về tham vọng chủ quyền trên biển Đông một cách phi pháp thì không chỉ nghệ sĩ mà mỗi công dân Việt Nam phải có thái độ, quan điểm và ứng xử rõ ràng, dứt khoát chứ không thể khoanh tay đứng nhìn.

Xu hướng thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng lan rộng. Nếu cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn, dỡ bỏ và xử phạt quyết liệt thì sẽ tạo ra những tiền lệ xấu. Và vô hình trung sẽ góp phần tạo nên những “bằng chứng” xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/151278/khong-the-xuyen-tac