Không thi tốt nghiệp ảnh hưởng bậc học bên dưới và thu nhập kém trong tương lai
Thi đánh giá là một công đoạn của quá trình giáo dục. Nếu bỏ công đoạn này thì giáo dục không thực hiện hết chức năng của mình.
Vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông rất cao, đạt 98-99% nên nhiều năm qua người ta đã đặt vấn đề có cần thiết tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa không.
Câu chuyện này một lần nữa được thảo luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nội dung định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia và phát triển nhân lực cho rằng, thi đánh giá là một công đoạn của quá trình giáo dục. Nếu bỏ công đoạn này thì giáo dục không thực hiện hết chức năng của mình.
Theo vị này, khi muốn biết tình trạng sức khỏe của bản thân thì phải xét nghiệm "đầu ra" như máu bằng thiết bị tin cậy và người đo chuyên nghiệp. Bạn muốn biết sức khỏe của nền giáo dục phải đo lường chuẩn, phân tích, đánh giá và chẩn đoán "bệnh tật" qua exit exams.
Do đó, muốn làm chính sách giáo dục cần làm các nghiên cứu phân tích chính sách. Nhưng có một cách có thể dựa vào kết quả thi để làm chính sách. Chỉ khi có kết quả test thì sẽ biết địa phương A yếu môn học nào? Địa phương biết trường nào yếu cái gì để có chính sách đầu tư nguồn lực và đưa ra giải pháp cải thiện điểm yếu đó.
Hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương, nhà trường và thầy cô giáo cần nhìn nhận kết quả thi tốt nghiệp là đo trách nhiệm giải trình của mỗi chủ thể có trách nhiệm về sự học của người học.
Vì sao? Vì tiền ngân sách hay tiền của người dân mình tiêu đi phải có trách nhiệm giải trình không phải chỉ là tiêu thế nào mà là kết quả đầu ra của học sinh thế nào với đồng tiền ngân sách và người học bỏ ra.
Việc thi với các đề thi được chuẩn hóa khách quan là một trong các thước đo trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý, nhà trường, giáo viên..."
Từ năm 2021-2025 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thế nào?
Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: “Tỷ lệ tốt nghiệp cao một phần do sự thiếu trung thực trong đánh giá của thầy cô ở nhà trường khi kết quả ở học bạ lại chiếm 30% trong tổng số điểm tốt nghiệp trung học phổ thông.
Việc kiểm tra đánh giá ở các trường phổ thông khác nhau, ở mỗi vùng miền khác nhau dẫn đến sự không công bằng giữa các học sinh và cơ quan làm chính sách khó mà chẩn đoán "bệnh tật" của giáo dục nằm ở đâu".
Qua nghiên cứu, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, nếu không thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của bậc học bên dưới và khả năng phát triển nghề nghiệp và thu nhập kém trong tương lai theo một số công bố quốc tế thời gian qua.