Không tin chiến tranh kết thúc, võ sĩ đạo Nhật tiếp tục kháng chiến 30 năm trong rừng
Không tin Nhật Bản đã bị đánh bại, Trung úy Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính quyền Philippines và quân đội Mỹ trên đảo Lubang ở Biển Đông trong gần 30 năm, chỉ chịu giải giáp vào năm 1974.
Vào những năm 1940-1942, quân đội Nhật Bản đã tấn công các căn cứ của Anh và các cường quốc châu Âu; chiếm Đông Dương, Miến Điện, Hồng Kông, Malaysia và Philippines; làm nên chiến thắng lịch sử Trân Châu Cảng (Mỹ) và chiếm một phần lớn lãnh thổ Indonesia. Sau đó, đổ bộ lên New Guinea và các đảo ở Châu Đại Dương, nhưng năm 1943, Nhật đã mất thế chủ động chiến lược. Năm 1944, quân Anh-Mỹ mở cuộc phản công quy mô lớn, đẩy quân Nhật ra khỏi các đảo Thái Bình Dương, Đông Dương và Philippines.
Lính của Nhật hoàng
Hiroo Onoda sinh ngày 19/3/1922 tại Kamekawa, thuộc tỉnh Wakayama, có cha là một nhà báo và mẹ là một giáo viên. Trong những năm đến trường, Onoda yêu thích môn võ kiếm đạo. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hiroo nhận được một công việc tại công ty thương mại Tajima và chuyển đến Hán Khẩu (Trung Quốc). Tuy nhiên, Onoda không có thời gian để tạo dựng sự nghiệp, vì cuối năm 1942, phải đi lính.
Năm 1944, Onoda trải qua khóa đào tạo sơ cấp, sau khi tốt nghiệp, nhận hàm trung sĩ và được gửi đến học tiếp tại khoa "Futamata" của trường "Nakano" đào tạo về trinh sát và phá hoại. Do tình hình chiến sự căng thẳng, Onoda không hoàn thành toàn bộ khóa huấn luyện, mà được điều về Quân đoàn 14 và được cử sang Philippines cùng một phân đội để phá hoại hậu phương của quân Anh-Mỹ. Trung tướng Shizuo Yokoyama đã ra lệnh cho nhóm lính phá hoại bằng mọi giá tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, ngay cả khi họ phải hành động mà không có liên lạc với quân chủ lực trong vài năm.
Được phong cấp Trung úy, Onoda được phái đến đảo Lubang của Philippines, nơi tinh thần của quân đội Nhật không cao lắm. Onoda đã cố gắng lập lại trật tự tại địa bàn mới, nhưng không thành công - ngày 28/2/1945, quân đội Mỹ đổ bộ lên đảo. Hầu hết các đơn vị đồn trú của Nhật đều bị tiêu diệt hoặc đầu hàng. Onoda cùng ba người lính lánh vào rừng và tiếp tục làm những gì họ đã được huấn luyện - chiến tranh du kích.
Ba mươi nămchiến tranh du kích
Ngày 2/9/1945, trên chiến hạm Missouri của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Mamoru Shigemitsu và Tướng Yoshijiro Umezu - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhật Bản - đã ký văn bản Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Người Mỹ rải truyền đơn khắp rừng rậm Philippines về sự kết thúc của chiến tranh và lệnh quân Nhật hạ vũ khí. Được nạp vào đâùnhững thông tin sai lệch khi còn đi học, Onoda coi những gì đang xảy ra như một sự khiêu khích.
Năm 1950, một trong những chiến binh của nhóm Onoda đã đầu hàng cơ quan thực thi pháp luật Philippines, sớm trở về Nhật Bản. Ở Tokyo, người ta được biết rằng biệt đội được coi là đã bị tiêu diệt vẫn còn tồn tại. Tại Nhật Bản, một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để đưa các quân nhân hồi hương. Nhưng công việc của ủy ban diễn ra khó khăn khi những người lính triều đình đang ẩn náu sâu trong rừng sâu.
Năm 1954, phân đội của Onoda chiến đấu với cảnh sát Philippines, Hạ sĩ Shoichi Shimadađã bị thiệt mạng. Ủy ban Nhật Bản đã cố gắng thiết lập liên lạc với các trinh sát viên còn lại, nhưng không bao giờ tìm thấy họ. Kết quả là vào năm 1969, họ bị tuyên bố là đã chết và được truy tặng Huân chương Mặt Trời mọc.
Tuy nhiên, 3 năm sau, Onoda đã "hồi sinh". Năm 1972, các du kích Nhật đã cố gắng cho nổ mìn một đội tuần tra của cảnh sát Philippines, và khi thiết bị không phát nổ, họ đã nổ súng. Trong cuộc đấu súng, thuộc hạ cuối cùng của Onoda, Kinsichi Kozuka, đã thiệt mạng. Nhật Bản lại cử một nhóm tìm kiếm đến Philippines, nhưng viên Trung úy dường như biến mất trong rừng rậm.
Onoda hầu như chỉ ăn trái cây dại và bắt chuột bằng bẫy. Mỗi năm một lần, anh ta giếtbò của nông dân địa phương để làm khô thịt và lấy mỡ bôi trơn vũ khí. Theo thời gian, Onoda tìm thấy những tờ báo và tạp chí, từ đó nhận được những thông tin rời rạc về các sự kiện đang diễn ra trên thế giới.
Onoda cũng không tin các thông tin rằng Nhật Bản đã bị đánh bại trong Thế chiến II. Onoda tin rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam là những trận chiến tiếp theo của Thế chiến II và cho rằng trong cả hai trường hợp, quân đội Nhật Bản đều đang chiến đấu với người Mỹ.
Giã từ vũ khí
Năm 1974, Norio Suzuki - nhà du hành kiêm nhà thám hiểm người Nhật Bản - đã đến Philippines. Ông quyết định khám phá số phận của võ sĩ đạo nổi tiếng Nhật Bản, đã tìm cách nói chuyện với người đồng hương của mình và chụp ảnh anh ta. Thông tin về Onoda từ Suzuki đã trở thành một cơn sốt thực sự ở Nhật Bản. Nhà chức trách đã tìm thấy cựu chỉ huy trực tiếp của Onoda, Thiếu tá Yoshimi Taniguchi - người sau chiến tranh làm việc trong một hiệu sách, và đưa ông đến Lubang.
Ngày 9/3/1974, Taniguchi giao cho Onoda lệnh của chỉ huy một nhóm đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân đoàn 14 về việc chấm dứt các hoạt động quân sự và liên lạc với quân đội Mỹ hoặc đồng minh. Ngay ngày hôm sau, Onoda đến trạm radar của Mỹ trên Lubanggiao nộp một khẩu súng trường, băng đạn, lựu đạn, một thanh kiếm samurai và một con dao găm.
Các nhà chức trách Philippines bị đưa vào một thế khó. Trong gần 30 năm chiến tranh du kích, Onoda cùng với cấp dưới của mình đã thực hiện nhiều cuộc đột kích, mà nạn nhân là lính Mỹ và Philippines, cũng như cư dân địa phương. Onoda và các cộng sự đã giết khoảng 30 người và làm gần 100 người bị thương. Theo luật pháp của Philippines, người lính Nhật này phải đối mặt với án tử hình. Tuy nhiên, sau khi đàm phán với Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tổng thống Ferdinand Marcos đã giải thoát Onoda khỏi trách nhiệm, trả lại vũ khí cá nhân và thậm chí tuyên dương lòng trung thành với nghĩa vụ người lính.
Ngày 12/3/1974, Onoda quay trở lại quê hương Nhật Bản. Tuy nhiên, công chúng phản ứng đầy mâu thuẫn - đối với một số người, Onoda là anh hùng dân tộc, còn đối với những người khác, là tội phạm chiến tranh. Viên Trung úy từ chối được Hoàng đế tiếp, nói không xứng đáng được vinh dự như vậy, vì đã không có bất kỳ chiến công nào.
Ở quê nhà, Onoda đã tham gia vào các hoạt động xã hội hóa thanh thiếu niên. Vì những thành tích của mình, người cựu chiến binh đã được trao Giải thưởng của Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thể thao Nhật Bản, cũng như Huân chương Danh dự vì Sự phụng sự Xã hội. Onoda qua đời vào ngày 16/1/2014 tại Tokyo và trở thành người lính Nhật Bản nổi tiếng nhất tiếp tục kháng cự sau khi chính quyền Tokyo đầu hàng, tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất.
Cho đến tháng 12/1945, trên đảo Saipan, quân Nhật vẫn chiến đấu chống lại quân Mỹ. Năm 1947, Thiếu úy Ei Yamaguchi chỉ huy một biệt đội gồm 33 binh sĩ đã tấn công một căn cứ của Mỹ trên đảo Peleliu ở Palau và chỉ đầu hàng theo lệnh của cấp trên cũ. Năm 1950, Thiếu tá Takuo Ishii thiệt mạng trong trận chiến với quân Pháp ở Đông Dương. Ngoài ra, một số sĩ quan Nhật Bản, sau khi quân đội triều đình bị đánh bại, đã đứng về phía các nhóm cách mạng quốc gia chiến đấu chống người Mỹ, người Hà Lan và người Pháp.