Không tính đúng, tính đủ giá điện, hệ lụy vô cùng nhiều

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, điện là đầu vào, là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào nên nếu không có điện thì thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều.

Ông Bùi Xuân Hồi: Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Bùi Xuân Hồi: Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không có điện là chết

Ông Bùi Xuân Hồi chia sẻ, về mặt truyền thông, năm 2023 rất điển hình cho câu chuyện bắt buộc phải giảm phụ tải hay nói cách khác, bắt buộc phải cắt điện khi nguồn điện không đủ. Vì sao truyền thông lại ồn ào như vậy khi mất điện kéo dài trong 1 tháng? Rõ ràng phải có hệ lụy cực kỳ lớn thì mới ồn ào về mặt truyền thông như thế.

Về từ chuyên môn trong kinh tế năng lượng, đây được gọi là chi phí ngừng cung cấp điện, nó được định nghĩa là một thiệt hại nền kinh tế phải gánh chịu khi mà 1 kWh không thể cung cấp được. Thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều.

Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết. Điện là đầu vào, là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào.

Nền kinh tế dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không có đầu vào đó thì không vận hành được. Mà nền kinh tế không vận hành thì không có tăng trưởng, không có gì cả. Đấy là về phương diện kinh tế, gọi là chi phí ngừng cung cấp điện.

Với đời sống xã hội thì chúng ta đều biết rồi, hiện nay chỉ số tiếp cận điện năng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta làm bằng mọi giá, nên chỉ số tiếp cận điện năng rất tốt.

Ngay cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo chúng ta cũng cố gắng kéo điện lưới quốc gia về, nâng cao chất lượng cuộc sống với vai trò điện năng là trọng tâm. Cho nên khi mất điện thì cuộc sống bị đảo lộn hết. Đó là hệ lụy mà năm 2023 là kiểm chứng rõ nhất về câu chuyện nếu mất điện xảy ra thì hệ lụy như thế nào.

Điều hành giá điện đa mục tiêu như hiện nay rất khó

Quay trở lại, nếu giá điện vẫn tiếp tục được điều hành theo hướng đa mục tiêu như hiện nay, thì đầu tiên là người bán điện lớn nhất cho hộ tiêu dùng cuối cùng là EVN nhưng thực ra phần nguồn EVN giữ có ít, vẫn phải đi mua trên thị trường.

Nếu bây giờ nguồn thiếu thì làm sao EVN đảm bảo cung cấp được cho nền kinh tế?

EVN là đơn vị bán lẻ điện lớn nhất hiện nay. Nếu giá điện thấp, đầu tiên EVN lỗ, mà EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên lỗ tức là Nhà nước mất vốn. Nếu EVN có lợi nhuận thì Nhà nước có lợi nhuận, có cơ hội để EVN tái đầu tư mở rộng.

Khái niệm tái đầu tư mở rộng là khái niệm của ngành điện, bởi năm nào cũng tăng trưởng chứ không bao giờ dừng quy mô, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Như vậy, không có lợi nhuận thì không có tái đầu tư mở rộng và chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nguồn điện và lưới điện.

Nếu tình hình tài chính của EVN như thế, bản thân khả năng EVN tái đầu tư rất khó, cho nên khía cạnh phát triển nguồn điện, lưới điện bị ảnh hưởng, nguy cơ thiếu điện xảy ra.

Thứ hai là khi EVN bị lỗ nhiều quá, EVN mất khả năng thanh toán thì những doanh nghiệp khác tham gia vào bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng Domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn.

Chúng ta thấy Quy hoạch Điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay thì tôi cho rằng triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII rất xa vời, ít nhất là rất khó.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khong-tinh-dung-tinh-du-gia-dien-he-luy-vo-cung-nhieu-119240820191020192.htm