Không tổ chức kiểm tra định kỳ đối với DN không có dấu hiệu vi phạm

Là một trong những nội dung UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

NDĐT - Là một trong những nội dung UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, trong nhóm giải pháp UBND tỉnh Điện Biên đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN) địa phương, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với các ngành: Thuế, Tài chính, Hải quan, UBND tỉnh Điện Biên phải thực hiện các giải pháp: Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn giảm thuế, phí, lệ phí; xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê tình hình sản xuất, kinh doanh của Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Điện Biên, trong số 120 DN thành viên Hiệp hội hiện có đến 90% thành viên phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề.

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch HHDN tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong HHDN tỉnh, nhóm DN xây dựng cơ bản (XDCB) chiếm 58,8% thành viên gặp khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bị gián đoạn, lao động giảm về số lượng, công trình chậm tiến độ, khối lượng và doanh thu đương nhiên giảm. Với nhóm DN hoạt động thương mại - du lịch và dịch vụ (chiếm 28,9% thành viên Hiệp hội) chuyên kinh doanh hàng hóa, du lịch, dịch vụ, hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán bar gặp khó khăn vì lượng khách từ sau Tết Nguyên đán đến nay gần như không có, trong khi tiền thuê mặt bằng, lương người lao động DN vẫn phải bảo đảm. Nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải thì khó khăn nhìn thấy rất rõ do thực hiện cách ly xã hội trong khi đó các DN này vẫn phải thanh toán phí cho xe nằm bãi, phí đăng kiểm xe cơ giới - kiểm định ô-tô, công nhân phải tạm nghỉ việc nhưng chủ DN vẫn phải trả lương để “giữ chân” họ. Vì vậy hiện tại DN không xác định được mục tiêu và kế hoạch kinh doanh. Còn với nhóm DN hoạt động chế biến lâm - nông sản thực phẩm (thu mua nguyên liệu, chế biến và kinh doanh chè; mắc ca; cây dược liệu; rau sạch công nghệ cao…) thì khó khăn nhìn thấy chính là sản lượng hàng tiêu thụ chậm hơn nhưng DN vẫn phải thu mua và chế biến hết nguyên liệu đã cam kết với nông dân vì thế hàng tồn kho cứ ngày càng nhiều hơn.

Theo tính toán của ông Bùi Đức Giang, nếu dịch bệnh kéo dài trong sáu tháng thì có ít nhất 65% DN ở địa phương bị giảm doanh thu hơn 50%; nhiều DN lâm tình trạng dừng hoạt động hoặc phá sản. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn sáu tháng thì ít nhất 30% DN ở địa phương có nguy cơ phá sản do không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho người lao động, lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cùng các chi phí khác.

Tin, ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44219202-khong-to-chuc-kiem-tra-dinh-ky-doi-voi-dn-khong-co-dau-hieu-vi-pham.html