Không trả 1,5 tỉ EUR cho IMF - Hy Lạp chính thức vỡ nợ

Hy Lạp đã trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên vỡ nợ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khi chính thức xác nhận, nước này sẽ không trả 1,5 tỉ EUR cho tổ chức này.

Hy Lạp vỡ nợ là một cú sốc chưa từng có tiền lệ đối với liên minh tiền tệ 16 năm tuổi.

Theo CNN, phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho hay, nước này sẽ không trả khoản nợ sắp đáo hạn cho IMF. Việc này rất có thể sẽ đồng nghĩa với khả năng nước này phải rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Khoản tiền mà Hy Lạp phải khất nợ cũng là mức nợ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của IMF.

Tuy nhiên, Bộ trưởng các nước cho biết, họ sẽ thảo luận một đề xuất được Athens đưa ra ở phút chót, để giúp nước này có thể nhận được một chương trình cứu trợ mới.

Người Hy Lạp biểu tình ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng tại Athens. Ảnh: Bloomberg

Chủ Nhật tới (5/7), người dân Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu để quyết định xem có chấp thuận hay không các yêu cầu thắt chặt của nhóm chủ nợ. Chính phủ kêu gọi người dân nói “không” trong lá phiếu của họ, tuy nhiên hơn 10.000 người Hi Lạp đã ủng hộ việc nói “có” trong cuộc tuần hành tại thủ đô Athens bất chấp mưa dông.

Trong thông báo công bố trên website của IMF, ông Gerry Rice, phát ngôn viên của IMF cho biết, Hy Lạp sẽ chỉ được phép tiếp nhận các khoản vay khác của IMF trong điều kiện đã thanh toán xong khoản nợ vừa đáo hạn này.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras - Ảnh: AP

Hiện Athens đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ, lên tới 323 tỷ euro. Ngoài khoản vay vừa quá hạn với IMF, tháng 7 này, Hy Lạp sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ trái phiếu Chính phủ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Đầu tư châu ÂU (EIB) và chính IMF. Tổng số nợ đáo hạn là gần 7 tỷ euro, theo Wall Street Journal. Trừ khoản cứu trợ của IMF không lãi suất, các khoản khác có lãi vay dao động từ 2,3%-3,7% một năm.

Từ thứ hai tuần này, Hy Lạp đã đóng cửa hệ thống ngân hàng, áp dụng cơ chế kiểm soát ngặt nghèo nhằm ngăn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước và dự kiến sẽ bất động cho đến ngày 7/7.

Người về hưu đứng chờ rút tiền trước cửa ngân hàng.

Trong ngày thứ hai áp dụng biện pháp kiểm soát vốn, áp lực ngày càng đè nặng lên người dân Hy Lạp bởi họ chỉ được phép rút tiền với hạn mức tối thiểu là 60 euro (tương đương 67 USD) mỗi ngày. Nghiệp đoàn các ngân hàng đang yêu cầu Chính phủ có giải pháp trong 3 ngày tiếp theo để đảm bảo các ngân hàng phải mở cửa phục vụ việc chi trả lương hưu.

Tại các cây ATM, người Hy Lạp không được rút quá 60 euro/ngày. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các Bộ trưởng Tài chính của 18 quốc gia khác trong Eurozone đã lần đầu tiên gặp gỡ mà không có Hy lạp và thẳng thừng từ chối kêu gọi gia hạn cứu trợ cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7. Họ cam kết sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ổn định khối đồng tiền chung, và khẳng định khối đang ở vị trí tốt hơn nhiều so với đỉnh điểm khủng hoảng Eurozone cách đây vài năm.

Bị kẹt giữa nỗi sợ sụp đổ kinh tế và thách thức yêu cầu từ phía các chủ nợ, nhiều người Hy Lạp đã bày tỏ sự bức xúc.

Thực tế, nền kinh tế Hy Lạp trong 6 năm qua vô cùng bế tắc. Thất nghiệp ở mức 25% và tỷ lệ không công ăn việc làm trong số người trẻ tuổi lên tới 50%.

Nỗi lo Hy Lạp vỡ nợ đã khiến thị trường tài chính chao đảo vì lo ngại việc vỡ nợ sẽ dẫn tới Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro. Số phận của Hy Lạp trong eurozone vẫn còn phụ thuộc vào sự cân bằng trước cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật tới, khi người dân Hy Lạp bỏ phiếu có chấp thuận các điều khoản thắt lưng buộc bụng để tiếp tục nhận viện trợ quốc tế không.

Hồng Nhung (Tổng hợp)

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/khong-tra-15-ti-eur-cho-imf-hy-lap-chinh-thuc-vo-no.html