Không trúng đấu giá, xe buýt vẫn được hoạt động

Vì sao tuyến đường có hai tuyến xe buýt cùng hoạt động nhưng người dân lại không thể đón xe?

Thời gian gần đây, nhiều người dân rất ngạc nhiên khi xuất hiện nhiều xe màu vàng-đỏ, có dán chữ “Xe buýt” chạy trả, đón khách tại các trạm xe buýt tuyến Cần Thơ đi Vị Thanh (Hậu Giang) và chiều ngược lại bên cạnh tuyến xe buýt cũ.

Tuy nhiên, nhiều người cũng không rõ vì sao việc đón xe buýt ở tuyến đường này trở nên khó khăn hơn từ khi có hai tuyến xe buýt cùng hoạt động song song.

Xe buýt bỏ tuyến vì ít khách?

Để tìm hiểu vấn đề, sáng 25-9, chúng tôi đón xe tại trạm đầu đường Nguyễn Văn Cừ, TP Cần Thơ đi TP Vị Thanh. Tuy nhiên, hơn 30 phút đứng chờ vẫn không đón được xe.

Cùng thời điểm trên, tại khu dân cư Thới Nhựt (phía sau Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài) có một chiếc xe buýt màu vàng-đỏ, BKS 95B-000.27 đậu trên tuyến đường 5A. Sau khi phát hiện bị ghi hình, tài xế nhanh chóng lên xe chạy đi. Chiếc xe này chạy qua các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, Nguyễn Văn Linh,… về phường 7, TP Vị Thanh. Trên đường đi, xe vẫn ghé đón, trả khách tại các nhà chờ, trạm dừng xe buýt tuyến Cần Thơ - Vị Thanh.

Chiều cùng ngày, cũng trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đoạn trước cửa ĐH Y Dược Cần Thơ, chiếc xe buýt màu vàng-đỏ, BKS 95B-005.55 đậu tại trạm. Sau hơn 10 phút xe vẫn không di chuyển, một phụ nữ trên xe (nhân viên bán vé - PV) cho biết xe đang đậu trạm chờ khách, khoảng 5-10 phút nữa sẽ chạy. Tuy nhiên, từ lúc phát hiện chiếc xe buýt này đậu ở đây đến khi trao đổi với nhân viên bán vé, tài xế xe ngả ghế ngủ “rất ngon”, xe không nổ máy, không có dấu hiệu là ghé trạm chờ khách rồi đi như các xe buýt khác.

Trả lời PV về việc đứng đón xe tại đoạn đầu đường Nguyễn Văn Cừ nhưng không có xe buýt, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Bến xe tàu Hậu Giang, khẳng định xe buýt do đơn vị quản lý luôn chấp hành nghiêm theo tuyến đã đăng ký, đảm bảo chạy từ trạm đầu đến trạm cuối tuyến, đúng thời gian. Tuy nhiên, chiều 25-9, ghi nhận thực tế, chúng tôi không tìm thấy xe nào để đi về Hậu Giang như chỉ dẫn.

Một người dân sống gần đây xác nhận đầu đường Nguyễn Văn Cừ nối dài chính là điểm đầu của tuyến xe buýt Cần Thơ đi Hậu Giang nhưng rất ít khi thấy xe buýt đậu ở đây để chờ khách. “Lâu lâu cũng có xe đậu ở đây chờ khách nhưng đó là khi có kiểm tra hay báo cáo gì mới đậu, còn không là không có đâu” - người này cho biết thêm.

“Đoạn đường Nguyễn Văn Cừ ít khách, hơn nữa qua tới đường Cách Mạng Tháng Tám thì xe buýt Hậu Giang không được đón khách, chỉ được trả khách thôi nên xe buýt ít chạy lên đây lắm” - một người dân khác cho biết.

Một chiếc xe buýt màu vàng-đỏ đậu trong khu dân cư (ảnh chụp sáng 25-9). Ảnh: CHÂU ANH

Một chiếc xe buýt màu vàng-đỏ đậu trong khu dân cư (ảnh chụp sáng 25-9). Ảnh: CHÂU ANH

Không trúng đấu giá, “xin” hoạt động chung

Trước đây xe buýt Hậu Giang do Chi nhánh Vận tải hành khách xe buýt thuộc Công ty CP Cấp thoát nước - công trình đô thị Hậu Giang quản lý. Đến tháng 2-2019, UBND tỉnh phê duyệt phương án giải thể chi nhánh này, đồng thời tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản. Cuối tháng 2-2019, Công ty TNHH hai thành viên Vận tải Hậu Giang đã trúng đấu giá với số tiền hơn 1,9 tỉ đồng. Cũng trong phiên đấu giá này, Công ty CP Bến xe tàu Hậu Giang (thời điểm đó là Ban quản lý và điều hành bến xe tàu) cũng tham gia nhưng không trúng đấu giá.

Trong thời gian chuyển giao, việc khai thác các tuyến vận tải hành khách xe buýt tạm thời bàn giao cho Ban quản lý và điều hành bến xe tàu để đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Và vậy là một loạt xe buýt màu vàng-đỏ “ra đời”, chạy song song với xe buýt cũ.

Sau khi hoàn thành các thủ tục bàn giao, Công ty TNHH hai thành viên Vận tải Hậu Giang đã nhiều lần có văn bản đề nghị Sở GTVT tỉnh cho phép đơn vị khai thác 100% các tuyến liên tỉnh. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo Ban quản lý và điều hành bến xe tàu cho rằng ban được Sở GTVT tỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ “vận chuyển hành khách bằng xe buýt”. Vì vậy, trong thời gian tiếp nhận chờ hoàn thành thủ tục, ban đã tổ chức khai thác hai tuyến xe liên tỉnh. Đến khi nào đơn vị thắng đấu giá hoàn thành thủ tục chuyển giao thì sẽ hoạt động chung biểu đồ, mỗi đơn vị 15 ngày/tháng.

Theo ông Trương Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Vận tải Hậu Giang, việc hoạt động cách ngày như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, thu nhập của nhân viên và lãng phí các chi phí theo xe. “Ngày trước ban tham gia đấu giá nhưng không trúng, giờ lại hoạt động như một đơn vị trúng đấu giá thì rất khó khăn cho chúng tôi” - ông Thành bày tỏ.

Cũng theo ông Thành, từ khi có hai đơn vị cùng khai thác tuyến xe buýt này, lãnh đạo công ty nhận được rất nhiều phản ánh từ người dân như: Không đón được xe hoặc theo quy định thì khoảng 40 phút có một chuyến nhưng có khi chờ hơn một tiếng vẫn không đón được xe. Thậm chí, có người còn cho rằng xe buýt Hậu Giang không có tiền đóng bến nên phải trốn vì liên tục phát hiện xe buýt không đậu ở bến mà đậu ở các khu dân cư. “Nhận được phản ánh, chúng tôi phải giải thích cho bà con hiểu là hiện có hai đơn vị cùng hoạt động và xe buýt màu vàng-đỏ không phải do chúng tôi quản lý. Từ lúc hoạt động song song đến nay, xe buýt Hậu Giang ngày càng mất lòng tin của khách hàng” - ông Thành thông tin thêm.

Theo ông Lữ Thành Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, xe buýt phải đảm bảo chạy từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Nếu không xuất phát tại bến là chạy không đúng biểu đồ, là sai nhưng ở mức độ nào thì xem xét lại mới có hướng xử lý theo quy định. Còn theo ông Trịnh Thanh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, Sở chưa nhận được phản ánh nào của người dân về chuyện xe đậu trong khu dân cư. Sở sẽ kiểm tra lại, nếu đúng như phản ánh sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/khong-trung-dau-gia-xe-buyt-van-duoc-hoat-dong-860578.html