Không trúng thầu bằng mọi giá

Cần có chế tài cụ thể với doanh nghiệp khi dự thầu, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh... hoặc phải trúng thầu bằng mọi giá.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong đợt đấu thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo được Cơ quan Hậu cần nhà nước Indonesia (Perum Bulog) công bố tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp nước ta đã trúng thầu tổng khối lượng khoảng 90.000 tấn.

Nếu nhìn vào số lượng gạo trúng thầu, đây là tin vui. Nhưng khi nhìn vào mức giá, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại bởi quá thấp, thậm chí có ý kiến còn cho rằng đây là phá giá để trúng thầu bằng mọi giá.

Cụ thể, trong số các doanh nghiệp trúng thầu, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Đại Tài, thành viên của Tập đoàn Lộc Trời trúng 60.000 tấn gạo với giá chỉ 563 USD/tấn, thấp hơn 16 USD/tấn so với giá chào thầu là 579 USD/tấn. Một doanh nghiệp khác là Công ty Thuận Minh trúng 30.000 tấn với mức giá cũng rất thấp.

Theo lý giải của đại diện một đơn vị trúng thầu với báo chí, sở dĩ doanh nghiệp bỏ giá thấp là do công ty có vùng nguyên liệu và nhiều nhà máy xay xát lúa gạo khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Là có hệ sinh thái từ thu mua đến sản xuất lúa gạo, có lợi thế về chi phí nên bán gạo với giá nào cũng không ảnh hưởng đến bà con nông dân.

Rằng Tập đoàn đã có nhiều năm gắn bó với nông dân, có hệ sinh thái đa dạng từ giống, thuốc bảo vệ thực vật và công nghệ... nên chi phí đầu vào sẽ khác với các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa đơn thuần. Ngoài ra, nhu cầu về vốn cũng sẽ khác so với các đơn vị chỉ mua đi bán lại nên bán giá nào là quyền tự quyết của doanh nghiệp…

Về “lý thuyết”, có thể tạm yên tâm với lý giải của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu so sánh giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố thì hoàn toàn chưa thể.

Theo đó, giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn thì giá trúng thầu của Tập đoàn Lộc Trời thấp hơn tới 24 USD/tấn và của Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.

Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT là do doanh nghiệp đang tổ chức rất manh mún, tự cạnh tranh lẫn nhau, không có công ty đủ lớn để tạo sức cạnh tranh quốc tế.

Bởi vậy, vấn đề hiện nay là các bên nên ngồi lại với nhau để thảo luận, tìm giải pháp để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và của hàng chục triệu nông dân trồng lúa.

Đến thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định doanh nghiệp có bán phá giá hay không nhưng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi VFA yêu cầu xác minh thông tin vì có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Đây là động thái cần thiết bởi rõ ràng, qua việc này cho thấy hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, tiềm ẩn thách thức như chiến lược đa dạng hóa thị trường còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm.

Chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu, chi phí sản xuất còn cao…

Bởi vậy, như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tại Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và định hướng xuất khẩu trong thời gian tới diễn ra hồi tháng 4 vừa qua thì cần liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu, chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông.

Chủ động theo dõi thị trường gạo toàn cầu, tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng. Xác lập, củng cố hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, các thương nhân xuất khẩu gạo cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành, đặc biệt trong tổ chức thu mua lúa gạo xuất khẩu, bình ổn giá lúa gạo trong nước.

Hiện nay, doanh nghiệp có thể tự do đấu thầu, tự quyết định giá thầu nhưng nếu giá thấp sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thị trường, gây thiệt hại cho nông dân, đất nước và chính doanh nghiệp.

Do đó, để phát triển bền vững ngành lúa gạo, nên chăng cần có chế tài cụ thể với doanh nghiệp khi dự thầu, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá hoặc phải trúng thầu bằng mọi giá.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-trung-thau-bang-moi-gia-post686071.html