'Không vào trường quốc tế học phí nửa tỷ, con tôi vẫn thành giáo sư'

Đó là một trong những ý kiến tranh luận liên quan câu chuyện có nên cho con học trường quốc tế với học phí lên tới hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

"Không biết trong ngôi trường quốc tế có học phí hơn nửa tỷ một năm sau này có ai thành nhà khoa học không? Tất cả giáo sư, tiến sĩ có nhiều thành tựu mà tôi biết đều học trường công lập. Họ vẫn nói tiếng Anh như gió", độc giả tên Hiệp nêu quan điểm.

Học trường quốc tế khó hòa nhập môi trường công lập?

Với sự nổi bật của cơ sở vật chất, chương trình học tập, giảng viên, trường quốc tế là giấc mơ của nhiều học sinh và phụ huynh.

Bạn Khoa Trần cho rằng nếu có điều kiện kinh tế, hãy cho con học trường quốc tế. Các em sẽ được tiếp xúc giáo viên nước ngoài, rèn luyện tư duy, giao tiếp từ nhỏ, phát huy kỹ năng trở thành công dân toàn cầu.

"Đây là điều quan trọng nhất của người Việt Nam, bởi nhiều người học trên sách vở giỏi nhưng nói chuyện với Tây lại đứng hình, ấp úng", bạn đọc này nêu quan điểm.

Theo độc giả Trần Đức Nghĩa, phụ huynh cho con học trường quốc tế hướng tới phương pháp giáo dục giúp trẻ rèn luyện sự sáng tạo, tư duy độc lập. Trẻ không được dạy theo cách "gà công nghiệp" như các trường công lập. Đặc biệt, ở trường quốc tế, học sinh không học bài như cái máy, áp lực thành tích cũng giảm hẳn. Các em là "trung tâm của giáo dục", được thầy cô tôn trọng.

Trường quốc tế đẹp như khách sạn 5 sao ở Sài Gòn. Ảnh: H.A.

Trường quốc tế đẹp như khách sạn 5 sao ở Sài Gòn. Ảnh: H.A.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tranh luận rằng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện chi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm cho con học trường quốc tế. Học ở đâu cũng tốt miễn là phù hợp năng lực học sinh, hoàn cảnh gia đình, quan trọng là sau này các con trở thành người tốt.

Bạn Nguyễn Nam cho rằng: "Con đã thông minh thì ở đâu cũng giỏi. Ở quê nghèo khó, con vẫn đỗ đại học, trở thành thủ khoa. Các nhân tài đất nước cũng ở quê mà ra".

Đồng tình quan điểm trên, tài khoản Facebook Nguyễn Hạnh bình luận: "Không học trường quốc tế, con tôi vẫn thành giáo sư, bác sĩ".

Theo lập luận này, điều quan trọng nhất là hình thành cho đứa trẻ tư duy tích cực và tinh thần nỗ lực học tập, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Khi đã có "phần cứng" đó, học sinh có thể hòa hợp ở các môi trường khác nhau, dù đó là "phần mềm" gì, công lập hay quốc tế.

Đặt câu hỏi về trường quốc tế, thành viên Hòa Minh cho rằng học sinh có bị mất văn hóa khi học chương trình hội nhập? Điều này cần hướng đi đúng đắn của nhà trường cũng như cha mẹ. Học toàn cầu nhưng không bị hòa tan về văn hóa là điều quan trọng.

Bạn Đăng Phạm đặt câu hỏi kiến thức ở trường quốc tế có giống "đồng nghiệp" ở trường công lập hay không? Nhiều em có thể mất thăng bằng vì 2 nơi giáo dục khác nhau.

"Một điều chắc chắn là các em đang học trường quốc tế, giả sử vì lý do nào đó không tiếp tục học được nữa, phải quay lại trường công, sẽ không theo kịp những bạn được 'luyện gà nòi'. Cầu mong bố mẹ, gia đình của các em đang có con học trường quốc tế mãi có thu nhập ổn định, ít nhất đến khi học sinh tốt nghiệp", tài khoản Lucas viết.

"Sinh ra từ vạch đích" và nỗi lo đứt gánh giữa đường

Ở khía cạnh khác, không ít ý kiến cho rằng được học tập ở nơi có học phí lên đến 600-700 triệu đồng mỗi năm, nhiều bạn trẻ may mắn khi "sinh ra từ vạch đích". Sống trong nhung lụa, giàu sang, trẻ không có sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Đồng ý học trường quốc tế tốt hơn về ngoại ngữ, cơ sở vật chất, kỹ năng thực tế, thậm chí là chương trình học, nhưng nhiều em ý thức rất rõ câu chuyện "giá trị học phí cao" và tư duy tiêu cực theo kiểu... không sợ thầy cô giáo, vì mình là khách hàng VIP. Áp lực ít, cái tôi lớn, học sinh khó có động lực vươn lên, trừ những em ý thức rất rõ và chủ động học tập.

Bạn đọc Đăng Phạm cũng cho rằng những trường quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài 100%, học phí khoảng 30.000 USD mỗi năm học. Nếu học từ mẫu giáo đến hết lớp 12, học phí lên đến 450.000 USD, chưa tính các chi phí phát sinh.

Nếu trong những năm đó, gia đình có gián đoạn về tài chính, các em sẽ đứt gánh giữa đường vì mức đóng góp quá cao. Khi đó, câu chuyện về "tái hòa nhập trường công" lại xuất hiện.

Bạn Hân Nguyễn nêu quan điểm ngôi trường bài bản cỡ nào cũng sẽ hướng đến kết quả học tập của học sinh. Thực tế đã chứng minh, trong giáo dục trẻ, không phải người lớn cho những gì tốt nhất, trẻ sẽ có tương lai triển vọng.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-vao-truong-quoc-te-hoc-phi-nua-ty-con-toi-van-thanh-giao-su-post956230.html