Không vì dịch bệnh mà thất học

Chính phủ sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin. Đồng thời, triển khai chính sách miễn giảm học phí, quan tâm hơn đến giáo viên các trường tư thục trong năm học 2021-2022

Ngày 28-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Bài toán khó: Thiếu giáo viên

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết địa phương này đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Ông Trung đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An.

Cùng chung khó khăn về thiếu giáo viên, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho hay thiếu biên chế giáo viên đang gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Theo thống kê, năm học 2021-2022, tỉnh Kon Tum còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học. Căn cứ số giáo viên thừa - thiếu trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Dành nhiều thời gian trao đổi về vấn đề thừa - thiếu giáo viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo các địa phương cần hết sức linh hoạt, đánh giá thực chất tình hình, chịu khó suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết. Thiếu ở đâu, thiếu bao nhiêu, thiếu thế nào phải phân tích rất cụ thể, không thể chỉ nói chung chung, thống kê một cách cơ học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

Triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh

Về kế hoạch của năm học 2021-2022, trước kiến nghị của Bộ GD-ĐT cũng như nhiều địa phương về tiêm vắc-xin cho học sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin. Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em. Bộ Y tế căn cứ vào khoa học, quy định của độ tuổi tiêm các loại vắc-xin để tính toán phân đủ, có kế hoạch tiêm phù hợp. "Ví dụ loại vắc-xin nào được nhiều nước sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì trong thời gian tới, khi nhập khẩu vắc-xin về sẽ dành loại đó để tiêm cho trẻ em. Chúng ta làm tất cả những gì có thể để các cháu được tiêm vắc-xin" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất. Học sinh được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có thể học bình thường kèm với các biện pháp phòng chống dịch khác như một số nước đang làm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vắc-xin cho giáo viên. Các địa phương không có dịch (vùng xanh) chủ động phương án cho học sinh quay lại trường nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, bảo đảm môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.

Hỗ trợ trường hợp khó khăn

Đối với "vùng đỏ" và "vùng vàng", giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ những trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm sự công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học. "Các cháu học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng đến tâm sinh lý và kiến thức. Vì vậy, khi quay trở lại trường học bình thường, đề nghị thầy cô giáo quan tâm đến các cháu để bảo đảm "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí. Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa. Ngoài ra, các bộ, ngành cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ thêm cho một số trường hợp giáo viên và học sinh đặc thù.

TP HCM đề nghị kéo dài năm học

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TP đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và có thể còn kéo dài. Xác định phương pháp dạy học trực tuyến không thể thay thế được dạy học trực tiếp, TP HCM đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, 2 để bảo đảm chất lượng dạy học. Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng kiến nghị bổ sung biên chế giáo viên cho các môn Anh văn, mỹ thuật, âm nhạc để phục vụ việc triển khai chương trình SGK mới.

Bài và ảnh: Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khong-vi-dich-benh-ma-that-hoc-20210828203428711.htm