Không vì phòng, chống tham nhũng mà cản trở phát triển kinh tế - xã hội

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Ngày 24/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và kết nối với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Lê Tiến Đạt.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Trọng Hưng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: V.Điệp/Thanhtra

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: V.Điệp/Thanhtra

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Chánh Thanh tra TP Hà Nội Trần Đức Hoạt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đỗ Tâm Diệu Quỳnh.

264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật giai đoạn 2020-2024

Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thông tin, sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Điều này đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt cho biết, trong kỳ báo cáo, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. 45 trường hợp đã nộp lại quà tặng cho đơn vị theo quy định với số tiền hơn 739 triệu đồng.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người. Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong 5 năm (giai đoạn 2020-2024), đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá. Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Việc thu hồi đạt tỷ lệ cao. Các vụ án đưa ra xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội được dư luận và nhân dân đồng tình đánh giá cao.

Các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý. Trong giai đoạn 2020-2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tham luận chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng” tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thái

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tham luận chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng” tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thái

Hà Nội thu hồi tài sản, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm

Tại hội nghị, các đại biểu tham luận về chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng...

Tham luận chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội đã chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ, kịp thời đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, góp phần tính cực nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả quan trọng với những chuyển biến đáng ghi nhận. Nổi bật trong đó, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

Cùng với đó, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, kiểm tra rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đã công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND TP đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần gồm 162 văn bản; thẩm định, ban hành mới 209 văn bản; ban hành mới 1.286 văn bản về hoàn thiện quy định trong định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực. Điểm nhấn đáng chú ý là Hà Nội đã tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô năm 2024, trong đó có nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.

Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành như xây dựng và triển khai Đề án số 06/Chính phủ; ban hành Quyết định số 5390/QĐ-UBND ngày 15/10/2024 phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP”; Xây dựng Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử TP và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng; triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt. Qua đó tạo sự minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực để người dân có thể giám sát, phản ánh các hành vi vi phạm kịp thời tới các cơ quan quản lý.

Từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 215,516 tỷ đồng; tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với 230 tập thể và 574 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 10 cuộc. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 1.428 triệu đồng và 5.215 m2 đất; trả cho công dân 83 triệu đồng và 302m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 156 tập thể và 284 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 21 vụ. Qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, Công an TP Hà Nội đã thụ lý 227 vụ/627 bị can. Trong 5 năm, số tài sản tham nhũng đã thu hồi, khắc phục là 52,83 tỷ đồng và 2.990m2 đất.

Qua triển thực tế triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở khó khăn, vướng mắc ghi nhận được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị các giải pháp. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện trong công tác xác minh tài sản tham nhũng.

Cùng với đó, tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào giáo dục; Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế, hương ước, quy ước về việc ứng xử, nếp sống văn minh của cán bộ, công chức nơi công cộng, nơi cộng đồng dân cư theo tinh thần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến quán triệt của cấp ủy Đảng về trách nhiệm của người kê khai tài sản tham nhũng ngay từ đầu. Thay đổi hình thức công khai các bản kê khai tài sản tham nhũng đảm bảo tăng cường tính minh bạch để nâng cao tính tự giám sát, phát hiện vi phạm trong đơn vị. Đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các cơ quan.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra; khắc phục hậu quả xử lý sai phạm sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.

Điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải kiến nghị sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cần ban hành Thông tư quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hình thức tuyên truyền các chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có sự phối hợp, tham gia của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước; cũng như cần tổ chức phát động nhiều hơn nữa các cuộc thi, các diễn đàn trao đổi, chia sẻ, đối thoại về chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước…

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra để thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng. Quá trình thực hiện cần nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước; quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Điệp/Thanhtra

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Điệp/Thanhtra

Trong đó, ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương qua Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Tập trung nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: công khai, minh bạch tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác; chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý tài sản tham nhũng, tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; tăng thẩm quyền cho các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực... Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, là điều kiện nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, vừa coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, đồng thời, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đối với ngành thanh tra, sẽ phát huy vai trò thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó, tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; quan tâm phát hiện, xử lý tham nhũng, kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi tài sản tham nhũng.

“Ngoài ra, phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương để tiếp thu, học tập những kinh nghiệm về công tác PCTN theo hướng tiếp tục duy trì quan hệ với các nước, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; mở rộng quan hệ với các nước triển khai tốt công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-vi-phong-chong-tham-nhung-ma-can-tro-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html