Không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung về tình hình lao động sau Tết, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 (nCoV).

Chủ động lên phương án đảm bảo quyền lợi NLĐ trước diễn biến dịch Covid-19. (Ảnh minh họa).

Chủ động lên phương án đảm bảo quyền lợi NLĐ trước diễn biến dịch Covid-19. (Ảnh minh họa).

98% lao động trở lại làm việc

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH của 22/63 tỉnh, thành phố, có 8.773 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trong đó, lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); lĩnh vực vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%)... Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng, nhưng số lượng không nhiều.

Tại Hà Nội theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội từ ngày 30/1, đã có 85% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất, với hơn 98% số công nhân lao động trở lại làm việc (tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp và Chế xuất, ngành Dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn). Qua khảo sát tại các doanh nghiệp, sau Tết, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động, với hơn 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Theo Bộ LĐTBXH, mặc dù dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng đáng mừng là, đến thời điểm này, cả nước có khoảng 98% công nhân, người lao động đã trở lại hoạt động, thị trường lao động cơ bản không có nhiều biến động; tình trạng khan hiếm lao động ít xảy ra. Tinh thần lao động, sản xuất diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu năm.

Về tình hình lao động là người Trung Quốc, đến nay chỉ có hơn 29% lao động Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc, những lao động này đang được các địa phương cách ly, theo dõi. Báo cáo của 63 địa phương cho biết, có 33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp giấy phép lao động, trong đó có 26.388 lao động Trung Quốc đã về nước ăn Tết.

“Theo cập nhật của các địa phương đến 16h ngày 10/2, có 15.018 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có hơn 7.300 lao động ở lại Việt Nam dịp Tết và hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán (chiếm 22,59% lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam). Các trường hợp lao động người Trung Quốc được cách ly chủ yếu tại khu ký túc xá doanh nghiệp, khách sạn, có một số trường hợp nghi nhiễm được địa phương theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế” – Báo cáo Bộ LĐTBXH cho biết.

Chủ động có phương án trợ giúp người lao động

Bộ LĐTBXH cũng cho biết, qua báo cáo của 30/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 181.597 doanh nghiệp có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chiếm 0,18%), 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,3%). Bên cạnh đó, trong 5.060 hợp tác xã có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động (chiếm 0,5%) và 5 hợp tác xã giảm quy mô, hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,09%). Và theo báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, số lao động bị mất việc là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số mất việc làm còn lại rải rác ở một số ngành khác.

Trước thực trạng trên, để bảo đảm quyền lợi người lao động, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tới lĩnh vực lao động việc làm xây dựng các kịch bản quản lý điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam. Trong đó, Bộ dự báo, các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc sẽ ngừng việc nhập cảnh hoặc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, vì vậy đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch đào tạo lao động, chuyển đổi lao động đi làm việc tại các thị trường khác hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/khong-xay-ra-tinh-trang-khan-hiem-lao-dong-tintuc459157