Không xét bằng cấp, mức lương nhân sự thiết kế chip, bán dẫn tại Việt Nam ''rất hấp dẫn'

Theo tiết lộ của các chuyên gia trong ngành, mức lương nhân sự ngành bán dẫn, thiết kế chip tại Việt Nam sẽ là con số 'đáng mơ ước' với nhiều bạn trẻ hiện nay. Hơn nữa, thu nhập sẽ không dựa trên bằng cấp mà là kỹ năng làm việc…

Chia sẻ của các chuyên gia cho thấy mức lương của nhân sự ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch tại Việt Nam sẽ là con số “đáng mơ ước” với nhiều bạn trẻ hiện nay.

Chia sẻ của các chuyên gia cho thấy mức lương của nhân sự ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch tại Việt Nam sẽ là con số “đáng mơ ước” với nhiều bạn trẻ hiện nay.

Chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, và Việt Nam được xem là một điểm đến đầu tư hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhờ những lợi thế cạnh tranh như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…

NHU CẦU NHÂN LỰC CHO NGÀNH BÁN DẪN, THIẾT KẾ CHIP TĂNG CAO

Triển vọng trên cùng với thực tế nhân lực ngành bán dẫn, thiết kế chip đang thiếu hụt trên toàn cầu đã khiến kỹ sư bán dẫn, thiết kế vi mạch trở thành những công việc “hot”. Theo công ty phân tích dữ liệu McKinsey & Company, từ năm 2018 đến 2022, số lượng tin tuyển dụng về vị trí kỹ thuật bán dẫn đã tăng vọt.

Tại Việt Nam, chính phủ đã bắt đầu thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam, đây là một tín hiệu đáng mừng khi chính phủ thể hiện mối quan tâm mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Nói về nguồn nhân lực của ngành bán dẫn, ông Yên cho biết Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực.

“Cách đây một, hai năm, chỉ có duy nhất Đại học Bách Khoa đào tạo chuyên sâu về bán dẫn và thiết kế điện tử. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta đã có nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo quan tâm, đầu tư vào ngành này”, ông Yên nói.

Bên cạnh cơ hội, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đối diện với nhiều thách thức lớn. Đặc biệt, để thu hút các công ty nước ngoài vào ngành bán dẫn sẽ đòi hỏi đầu tư rất lớn. Chẳng hạn tại Ấn Độ, để thu hút một tập đoàn với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD, Ấn Độ có thể phải chi ra khoảng 10 tỷ USD từ ngân sách nhà nước.

Thách thức thứ hai đến từ mặt chính sách, đặc biệt là việc tạo ra các chính sách nổi bật và đặc thù, thậm chí là chưa có tiền lệ. Việt Nam cũng đang trong quá trình nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Về mặt hạ tầng, mặc dù hạ tầng công nghệ của Việt Nam được đánh giá khá tốt, nhưng để tham gia vào các giai đoạn sản xuất, cần củng cố thêm các nguồn tài nguyên như điện và nước.

Ngành công nghiệp bán dẫn đối diện với nhiều thách thức lớn. Ảnh minh họa

Ngành công nghiệp bán dẫn đối diện với nhiều thách thức lớn. Ảnh minh họa

Xuất phát từ thực tiễn, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, cho rằng việc đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm về chip và bán dẫn cũng là một khó khăn với Việt Nam. “Thực tế cho thấy việc thiết lập và duy trì các phòng thí nghiệm này đòi hỏi chi phí rất lớn”, ông Hoàng Nam Tiến nói và cho biết theo kinh nghiệm của Đài Loan, chi phí phòng thí nghiệm có thể tốn khoảng 300 triệu USD.

Vì thế, các tổ chức như trường đại học hay doanh nghiệp, kể cả những tổ chức lớn như trường Đại học Bách Khoa hay trường Đại học Quốc gia, cũng khó có thể thu xếp khoản chi phí lớn như vậy để đầu tư vào một phòng thí nghiệm chip.

Được biết, Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến 2045 đặt mục tiêu sẽ thành lập 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia. Trong số 4 trung tâm này, sẽ có 2 trung tâm đặt tại Hà Nội, 1 trung tâm đặt tại Đà Nẵng và 1 trung tâm đặt tại TP.HCM. Ngoài ra, có khoảng 18 - 20 Trung tâm Đào tạo Tiêu chuẩn được đặt tại các trường học. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ sẽ tài trợ và đầu tư cho hai phòng lab chuyên về đo kiểm.

MỨC LƯƠNG CAO, CƠ HỘI THĂNG TIẾN TỐT

Để giải quyết thách thức về nguồn nhân lực, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ dựa vào hình thức đào tạo truyền thống như đại học và cao đẳng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu này. Việc chỉ bắt đầu đào tạo từ cấp đại học và cao đẳng có thể sẽ quá muộn. Vì thế, một giải pháp khả thi là thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề, các khóa học ngắn hạn hoặc đào tạo liên kết với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này sẽ giúp nhanh chóng cung cấp nhân lực có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ của các chuyên gia cho thấy mức lương của nhân sự ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch tại Việt Nam sẽ là con số “đáng mơ ước” với nhiều bạn trẻ hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Yên cho hay, tại Việt Nam, thu nhập của người làm thiết kế chip dao động trong khoảng 10.000 đến 100.000 USD mỗi năm tùy kinh nghiệm.

Chẳng hạn, lương kỹ sư 1-3 năm kinh nghiệm từ 10.000 - 15.000 USD/năm. Nếu có 4-6 năm kinh nghiệm, người trong ngành này có thể thu nhập 16.000 - 25.000 USD/năm. Mức thu nhập có thể tăng lên 46.000 - 80.000 USD, thậm chí cao hơn, với những người có trên 11 năm kinh nghiệm.

Theo ông Lê Thành Nam, Giám đốc Cty VIETA Solutions Việt Nam, sau một năm kinh nghiệm thì lương của các nhân sự bán dẫn, thiết kế vi mạch sẽ là khoảng 1.000 USD/tháng, và đánh giá mức lương không dựa trên bằng đại học. Nói thêm về điều này, ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center, cho biết trên thực tế việc có bằng cấp gì không quá quan trọng, nếu làm việc hiệu quả, mức lương sẽ không có sự khác biệt.

“Sự chênh lệch không phải do bằng cấp mà là do kỹ năng và khả năng tự học và quan trọng nhất là khả năng giải quyết vấn đề mà mỗi người có thể tự phát triển”, ông Hải Anh nói.

Tại Mỹ, mức lương trung bình hằng năm của kỹ sư thiết kế chip là khoảng 100.000 đến 300.000 USD.

Sau một năm kinh nghiệm, lương của các nhân sự bán dẫn, thiết kế vi mạch sẽ là khoảng 1.000 USD/tháng

Sau một năm kinh nghiệm, lương của các nhân sự bán dẫn, thiết kế vi mạch sẽ là khoảng 1.000 USD/tháng

Một trong những điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam là dân số trẻ và đang phát triển mạnh mẽ, theo ông Harsh Bharwani, CEO Jetking Infotrain Limited (Ấn Độ).

“Đây là yếu tố mà nhiều quốc gia khác, như Mỹ, mong muốn nhưng không thể đạt được. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam có xu hướng học các môn liên quan đến công nghệ và kỹ thuật. Tập đoàn Jetking đã rút ra kết luận này qua 12 năm liên kết đào tạo học sinh Việt Nam. Do đó, Jetking tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu trong ngành thiết kế vi mạch và bán dẫn”.

Ông Harsh Bharwani cũng cho rằng một trong những điểm yếu mà các bạn sinh viên Việt Nam cần cải thiện đó là năng lực ngoại ngữ. Ngoài ra, sinh viên Việt Nam cần có cái nhìn tổng quan về thị trường toàn cầu như cập nhật các xu hướng mới về thiết kế chip, trí tuệ nhân tạo…, đồng thời nâng cao kỹ năng thực hành bên cạnh các kiến thức lý thuyết đã được học.

Thực tế, câu chuyện đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam không chỉ là về nhu cầu ngay trong thời gian hiện tại, mà là việc chuẩn bị cho tương lai. Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đã xây dựng hai mốc thời gian là 2030 và 2045.

Việt Nam hay là bất kỳ quốc gia nào trên thế giới muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn đều phải có sự chuẩn bị rất dài hơi, 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 và 50 năm. Chính vì vậy, bài toán thúc đẩy và đào tạo nguồn nhân lực vừa tốt về mặt chất lượng nhưng cũng phải vừa hiệu quả và nhanh đang được đặt ra.

Thanh Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khong-xet-bang-cap-muc-luong-nhan-su-thiet-ke-chip-ban-dan-tai-viet-nam-rat-hap-dan.htm