Không xử lý triệt để, dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Hà Nội đang trở thành điểm 'nóng' về sốt xuất huyết của miền Bắc với số ca mắc tăng nhanh và ghi nhận thêm nhiều ổ dịch mới. Điều đáng nói là một số ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.

Với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, nếu không xử lý triệt để các ổ dịch thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Chỉ số nguy cơ ở nhiều nơi vượt ngưỡng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 7-2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố bắt đầu gia tăng, với hơn 480 ca/tuần. Chưa dừng lại ở đó, trong hai tuần đầu tháng 8-2023 (tính từ ngày 1 đến 11-8), số ca bệnh tiếp tục tăng gấp 1,5 lần so với tháng 7, vào khoảng 640-760 ca/tuần.

Đặc biệt, số ổ dịch sốt xuất huyết cũng tăng gấp 2-3 lần, từ 16-20 ổ dịch/tuần trong tháng 7 lên tới 59 ổ dịch/tuần (từ ngày 4 đến 11-8).

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 11-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 255 ổ dịch. Hiện, còn 114 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã, trong đó có nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.

Đơn cử như ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), được xác định từ ngày 9-5-2023, nhưng đến nay, sau hơn 3 tháng, số ca mắc mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến ngày 14-8, xã Phùng Xá đã có tới 340 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và trở thành nơi có ổ dịch ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trên địa bàn Hà Nội.

Phun hóa chất diệt muỗi tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

Phun hóa chất diệt muỗi tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

Không riêng xã Phùng Xá, qua giám sát cho thấy, hoạt động xử lý ổ dịch tại một số đơn vị còn chưa triệt để, chỉ số côn trùng tại các ổ dịch sau xử lý vẫn cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Theo hướng dẫn giám sát phòng, chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy BI từ 20 trở lên.

Kết quả giám sát công tác xử lý ổ dịch do CDC Hà Nội thực hiện (từ ngày 14-7 đến 11-8) cho thấy, nhiều ổ dịch có chỉ số BI cao gấp 2-3 lần ngưỡng cho phép, như ổ dịch tại cụm 6 (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) có BI=65; ổ dịch ở cụm 8-9-13 Vĩnh Ninh (thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) có BI=44; tại thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức BI=45; thôn Bàn, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất BI=40; thôn Đông, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất BI=50…

Người dân phường Việt Hưng (quận Long Biên) vệ sinh môi trường, phòng, chống sốt xuất huyết.

Người dân phường Việt Hưng (quận Long Biên) vệ sinh môi trường, phòng, chống sốt xuất huyết.

Chống dịch bằng biện pháp thiết thực

Để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đề nghị, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đáp ứng kịp thời hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun bảo đảm sẵn sàng, đầy đủ cho công tác xử lý ổ dịch. Thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài. Mặt khác, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, các địa bàn đang có số ca mắc và các ổ dịch gia tăng, đặc biệt là xã Phùng Xá, cần tập trung cao hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để sớm kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cơ quan chức năng của huyện cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ không thực hiện theo sự chỉ đạo của địa phương.

Trong tuần qua, huyện Hoài Đức đã ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận cho rằng, cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp thiết thực, trong đó sử dụng hình thức thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình tại từng thôn, xóm, khu dân cư… nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong vấn đề vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức tập trung phun hóa chất khoanh vùng ổ dịch; tích cực xử lý môi trường, thu gom các phế thải, rác thải sau khi trời mưa và đồng bộ ra quân tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại các xã, thị trấn.

Lưu hành chủng DEN-1 và DEN-2

Vi rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Do đó, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước.

Kết quả xét nghiệm 20 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tháng 7-2023 tại Hà Nội cho thấy, có 12 mẫu dương tính DEN-1; 4 mẫu dương tính DEN-2; còn lại 4 mẫu âm tính. Chủng DEN-2 sẽ nặng hơn DEN-1.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-xu-ly-triet-de-de-bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-638162.html