Không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi đã có dữ liệu dân cư

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa ban hành công văn về việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị trấn quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa các cấp phải thường xuyên tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức (tỉnh đã kết nối, tích hợp được giữa Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Bộ phận Một cửa các cấp không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (hoàn thành trong quý I năm 2023).

Đến nay, trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 484.609 hộ với 2.093.800 nhân khẩu đăng ký thường trú và 8.625 hộ với 19.129 nhân khẩu đăng ký tạm trú. Lực lượng Công an triển khai nhiều giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ khai thác, chia sẻ...

Trong xây dựng và phát triển chính quyền số, năm 2022, tỉnh đã ban hành 24 văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách liên quan đến triển khai thực hiện xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trên địa bàn; 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; liên thông với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương qua Trục liên thông quốc gia (VDXP) và tích hợp chữ ký số. Tổng số văn bản trao đổi trên hệ thống là hơn 2,4 triệu văn bản (chiếm 21%); tỷ lệ văn bản ký số đạt trên 90%; tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 65%.

Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/khong-yeu-cau-xuat-trinh-so-ho-khau-so-tam-tru-khi-da-co-du-lieu-dan-cu-20230309142913278.htm