Khu bảo tồn tự nhiên độc đáo ở Việt Nam
Đặc biệt, khu hệ chim tại VQG rất đặc trưng, tại các sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm di cư như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn. Ngoài ra, VQG Lò Gò - Xa Mát còn là nơi dừng chân của loài sếu đầu đỏ, trên tuyến di cư giữa đồng bằng Sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia.
Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có ý nghĩa hết sức to lớn. Nơi đây đã ghi dấu nhiều chứng tích quan trọng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng, Xưởng phim Giải phóng...
Năm 2019, Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát được công nhận là Vườn di sản ASEAN, trở thành 1 trong 10 Vườn di sản ASEAN của cả nước; và là Vườn di sản ASEAN duy nhất ở Đông Nam bộ tính đến thời điểm hiện tại.
Vườn di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có tầm quan trọng đặc biệt tại các quốc gia thành viên ASEAN. Các Bộ trưởng về môi trường của ASEAN đã cùng ký kết Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn di sản vào ngày 18.2.2003.
Các Vườn di sản ASEAN được đánh giá cao vì tầm quan trọng của chúng về bảo tồn, duy trì các quá trình sinh thái và hệ thống hỗ trợ sự sống; bảo tồn sự đa dạng di truyền; bảo đảm tính bền vững của các hệ sinh thái; duy trì những vùng hoang dã có giá trị về danh lam thắng cảnh, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu, giải trí và du lịch.
Những ngày này, VQG Lò Gò - Xa Mát trở thành nơi tìm về của du khách cả nước để tận mắt chiêm ngưỡng đàn cò nhạn quý hiếm lên đến hơn 1.000 cá thể đang dừng chân cư ngụ và kiếm thức ăn tại khu vực trảng Tà Nốt.
Đàn cò quý được VQG ghi nhận di cư đến khu vực từ ngày 28.5, sau nhiều năm vắng bóng. Những buổi chiều, đàn cò to lớn bay rợp cả khu vườn tràm ngập nước giữa vùng trời thanh bình. Hiện đàn cò đang được Ban Quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, tạo điều kiện và môi trường sống tốt nhất trong thời gian đàn chim cư trú.
Thạc sĩ Hồ Đắc Long- Phó trưởng Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế VQG Lò Gò - Xa Mát chia sẻ, đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy những sinh cảnh, đất ngập nước và tài nguyên sinh vật ở đây được bảo vệ tốt và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư ngụ và kiếm ăn của các loài chim di cư.
VQG Lò Gò - Xa Mát với tổng diện tích vùng đệm hơn 18.600 ha, trải dài trên địa bàn 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp, Thạnh Tây thuộc huyện Tân Biên. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 8.198 ha, hơn 10,8 ha là phân khu phục hồi sinh thái và 129 ha thuộc khu hành chính dịch vụ.
Đến nay đã xác định được hơn 700 loài thực vật, 42 loài thú, 203 loài chim 58 loài bò sát… trong VQG. Nhiều loài thú có tên trong Sách Đỏ thế giới (IUCN, 2005), như: voọc chà vá chân đen, voọc bạc, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ; các loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như dơi chó tai ngắn, mễn, mèo rừng, chồn bạc má, sóc đen, cheo, nhím bờm, sóc bay trâu…
Đặc biệt, khu hệ chim tại VQG rất đặc trưng, tại các sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm di cư như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn. Ngoài ra, VQG Lò Gò - Xa Mát còn là nơi dừng chân của loài sếu đầu đỏ, trên tuyến di cư giữa đồng bằng Sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17.5.2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.
Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận hơn 900 loài chim, trong đó có 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.
Hiện tình trạng săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư, vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Hiệp định về Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên.
Hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.
Để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng.
Các bộ, ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khu-bao-ton-tu-nhien-doc-dao-o-viet-nam-a146193.html