Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo sẵn sàng đón khách du xuân
Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Những ngày này, cùng với các điểm tham quan, du lịch khám phá trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo đang đẩy nhanh tiến độ triển khai nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục công trình. Đồng thời, bổ sung nhiều hiện vật quan trọng cho khu bảo tồn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du xuân.
NÂNG CẤP, BỔ SUNG NHIỀU CÔNG TRÌNH, HIỆN VẬT
Giai đoạn 1 dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015, trở thành điểm tham quan không thể thiếu của du khách thập phương khi đến Bình Phước. Công trình có quy mô lớn và ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc S’tiêng nói riêng và Bình Phước nói chung. Không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng, khu bảo tồn còn là điểm du lịch về nguồn, nơi tái hiện bức tranh đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc S’tiêng.
Đơn vị thi công dọn dẹp khuôn viên khu vực nhà dài tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Những năm qua, Ban quản lý khu bảo tồn đã nỗ lực tìm kiếm, mua sắm, bổ sung cho phòng trưng bày nhiều hiện vật quan trọng có giá trị như các bộ trang sức, kiềng tay, kiềng chân của phụ nữ S’tiêng xưa; cồng, chiêng, tố, ché và một số dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào như gùi, dao côi, xà gạc, cối giã gạo... Năm 2019, kỷ lục gia, nghệ nhân Trương Đình Chiểu trao tặng khu bảo tồn bộ đàn đá gồm 20 thanh (thanh nhẹ nhất 250kg, thanh nặng nhất 400kg). Để phục vụ khách tham quan, Ban quản lý khu bảo tồn đã mời nghệ nhân truyền dạy cho nam, nữ thanh niên dân tộc S’tiêng. Đến nay, khu bảo tồn đã có hơn 100 hiện vật. Phòng trưng bày vừa được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại với nhiều điểm nhấn tái hiện đời sống sinh hoạt, truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo một thời giã gạo nuôi quân.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng, Phó ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo cho biết: Nhằm thu hút và tạo ấn tượng đối với khách tham quan khi đến với khu bảo tồn, thời gian qua, UBND huyện Bù Đăng đã đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục công trình như: nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh, sân lễ hội, hệ thống mương thoát nước và các tuyến đường nội bộ... với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. 2 nhà dài truyền thống đã được bổ sung nhiều hiện vật, khắc phục tình trạng tốc mái, mối mọt...
SẴN SÀNG PHỤC VỤ KHÁCH DU XUÂN
Năm 2019, khu bảo tồn đón hơn 17 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đặc biệt, thời gian qua, Ban quản lý khu bảo tồn đã phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động phong trào, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong năm 2019, Ban quản lý khu bảo tồn đã phối hợp tổ chức 5 đợt giáo dục truyền thống với gần 3.000 thanh thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài huyện tham gia. Đồng thời, phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt kiểm lâm huyện tổ chức trồng cây lâm nghiệp phân tán, cây dầu tạo cảnh quan cho các tuyến đường nội bộ.
Dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại khu bảo tồn sẽ diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Du khách tới đây sẽ được giới thiệu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc S’tiêng tại phòng trưng bày; tham gia thưởng thức chương trình văn nghệ, biểu diễn đàn đá, cồng chiêng do chính các nghệ nhân, diễn viên người dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo biểu diễn.
Để lưu giữ, tái hiện một số làng nghề truyền thống và đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào S’tiêng phục vụ khách tham quan, đến nay, đã có 18 hộ dân S’tiêng vào sinh sống ổn định trong tổng số 20 nhà duy trì làng nghề truyền thống tại khu bảo tồn. Bên cạnh tuyên truyền người dân ăn ở đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan khuôn viên nơi ở và duy trì các nghề truyền thống, năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng phối hợp triển khai dự án trồng cây lá nhíp cho 8 hộ dân. Để chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ và thỏa trí tò mò của du khách thập phương khi đến khu bảo tồn, các hộ dân còn chủ động tìm kiếm, đưa về trồng nhiều loại cây gia vị trong vườn để chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào như cà nút áo, đọt mây, lá ớt và một số loại rau rừng để làm rượu cần, nấu canh thụt...
Gia đình anh Điểu Té ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh vào sinh sống trong nhà duy trì làng nghề truyền thống Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo từ năm 2017. Anh Điểu Té cho biết: “Vào khu bảo tồn, cuộc sống gia đình em đã có nhiều thay đổi. Chất lượng cuộc sống được nâng lên. Gia đình luôn ý thức việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; luôn chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm dịch vụ du lịch mang đặc trưng riêng của đồng bào”.
Được đánh giá là điểm tham quan “hút khách” vào mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc, ngoài chỉnh trang, bổ sung hiện vật, nâng cấp các hạng mục công trình, Ban quản lý khu bảo tồn còn xây dựng các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy và tuyên truyền đến các hộ dân sinh sống trong khu bảo tồn thực hiện tốt vệ sinh môi trường, xây dựng văn hóa, tác phong phục vụ du khách chuyên nghiệp, không tăng giá, ép khách, nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách thập phương khi đến tham quan khu bảo tồn.