Khu chế xuất và khu công nghiệp tại TP.HCM: Tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn
Bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu mới cho các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) tại TP.HCM phải tái cấu trúc, chuyển đổi theo những mô hình mới để hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp đáng kể hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như của đất nước.
Yêu cầu chuyển đổi để nâng cao hiệu quả
Theo quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, TP.HCM có 23 KCX và KCN tập trung với tổng diện tích 5.921,15 ha. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 19 KCX, KCN đã được thành lập, trong đó, 17 KCX, KCN đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho thuê là 1.847,42 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 70,57%.
Kể từ khi KCX Tân Thuận - KCX đầu tiên của cả nước, được thành lập năm 1991, đến nay, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các KCX, KCN tại TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, mô hình phát triển KCX, KCN tại TP.HCM trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế.
Một là, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của TP.HCM nói chung và các KCX, KCN của Thành phố nói riêng đã giảm bớt so với các địa phương lân cận, do quỹ đất công nghiệp hạn chế, giá cho thuê đất cao; cơ sở hạ tầng, quy hoạch các KCX, KCN còn hạn chế, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ KCN, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư…
Hai là, thu hút đầu tư vào các KCX, KCN còn hạn chế vì tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, cũng như các ngành có giá trị gia tăng thấp. Công tác tuyển dụng lao động có kỹ năng vào KCX, KCN gặp nhiều khó khăn, chi phí lao động cao so với các tỉnh lân cận.
Ba là, nhiều doanh nghiệp trong KCN, KCX sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực...
Bốn là, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCX, KCN; giữa các KCX, KCN với nhau và giữa các địa phương còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Năm là, mô hình quản lý nhà nước về KCX, KCN còn bất cập, chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế, chính sách chung cho KCN, KCX đã có, nhưng chưa đồng bộ và vận dụng chưa phù hợp với bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng.
Những hạn chế nêu trên dẫn đến hiệu quả đầu tư KCX, KCN chưa cao (về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, ô nhiễm môi trường, hạ tầng kỹ thuật và xã hội). Trong khi đó, diện tích đất dành cho công nghiệp hạn chế, chi phí sử dụng đất cao. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải xác định lộ trình thích hợp từng bước chuyển đổi các KCX, KCN hiện hữu theo các mô hình hiệu quả hơn.
Một số mô hình phát triển KCN cho TP.HCM
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… không còn là thế mạnh, đòi hỏi phải quy hoạch các KCX, KCN theo bối cảnh mới, xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng của TP.HCM, dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
Do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất trong các KCX, KCN của Thành phố cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm hạn chế thiệt hại do tác động của đại dịch; từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo đà phát triển.
Nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư cũng như phát triển mô hình KCN mới, cần thiết phải xây dựng mô hình thí điểm KCN mới hướng đến các hoạt động liên quan đến KCN đô thị - dịch vụ, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, có thể gợi ý một số mô hình KCN cho TP.HCM như sau:
Thứ nhất, mô hình KCN sinh thái. Đây là mô hình đề xuất cho nhiều KCN hiện hữu của TP.HCM, trước mắt triển khai thí điểm tại KCN Hiệp Phước. Tuy vậy, thách thức lớn đối với TP.HCM khi chuyển các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái là sẽ tốn kém chi phí tái cấu trúc hạ tầng, di dời các doanh nghiệp không đạt chuẩn về công nghệ, môi trường và thu hút dự án đầu tư theo tiêu chí. Các doanh nghiệp cũng phải đầu tư kinh phí không nhỏ để nâng cấp công nghệ, đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp trong KCN sinh thái.
Thứ hai, mô hình KCN hỗ trợ, phân khu công nghiệp hỗ trợ trong KCN và KCN chuyên sâu.
Mô hình KCN hỗ trợ nhằm cụ thể hóa và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ trong từng thời kỳ; hình thành liên kết sản xuất giữa KCN và doanh nghiệp trong KCN, đổi mới cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, kỹ năng sản xuất tiên tiến, hiện đại thông qua hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Mô hình KCN chuyên sâu được hình thành với mục tiêu tối ưu hóa sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể thông qua sử dụng chung các yếu tố đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất.
Thứ ba, mô hình KCN - đô thị - dịch vụ. Mục tiêu của mô hình này là hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, gắn kết giữa phát triển KCN với quá trình đô thị hóa tại các địa phương; giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN, phát triển KCN theo hướng bền vững; góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Đồng thời, hình thành khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ với môi trường sinh sống, làm việc hiện đại cho người dân, người lao động; hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong KCX, KCN. Trên thực tế, từ tháng 3/2021 UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289 ha) tại huyện Bình Chánh đã được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP.HCM. Hai KCN này được định hướng xây dựng trở thành KCN có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cần chính sách, giải pháp đồng bộ
Nhằm thực hiện tái cơ cấu các KCX và KCN trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cần triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp.
Về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, cần xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vào các KCX, KCN nhằm khuyến khích các dự án công nghệ cao, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, thân thiện với môi trường.
Theo đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu chuyển đổi công nghệ thông qua các chính sách kích cầu đầu tư, các giải pháp tài chính phù hợp. Các cơ quan chức năng không xem xét gia hạn thời gian hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất nếu doanh nghiệp không chuyển đổi công nghệ, vẫn còn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phải có giải pháp về môi trường nhằm chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN xanh, tiệm cận các tiêu chí KCN sinh thái , đảm bảo tỷ lệ cây xanh, có biện pháp tái sử dụng nước thải, bùn thải sau xử lý, sử dụng nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường…
Đặc biệt, cần thực hiện quy hoạch các KCX, KCN đồng bộ với quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060; tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, tháo gỡ vướng mắc nhằm đưa các KCN đã quy hoạch vào hoạt động, đẩy mạnh công tác đền bù giải tỏa…
Cùng với đó, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối đến KCX, KCN và quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội, nhà ở cho người lao động…