Khu chùa cổ
Tác phẩm đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.
Nhận lời Chấn, hôm nay rảnh, đẹp trời tôi lên đường đến thăm bạn. Sau vài câu chào hỏi xã giao, tôi và Chấn mỗi người một chiếc xe máy lao ra cổng đến khu vườn cây của gia đình, chạy một đoạn trên đường nhựa theo hướng Chợ Giải - Bản Mới rồi rẽ trái, vượt cầu treo, rẽ phải xuôi theo bờ sông Hà Hiệu, leo dốc, con đường bất ngờ quặt trái, buộc chú tuấn mã miễn cưỡng, lặc lè cõng tôi phi lên đồi.
Hiện ra trước mắt tôi là bức tranh đa sắc màu, một khu vườn rộng có diện tích khoảng trên 2ha, Chấn nói: Đây là khu vườn của mình. Tôi phóng con mắt lia nhanh qua một lượt, khu đất như được bàn tay con người tác động khá bằng và phẳng, phủ trên bề mặt là lớp cỏ vừa nhú ngọn tơ non, mơn mởn, đẹp nhất là những hàng cây cho quả như ổi, mít, chanh, nhãn, bưởi… cây nào cũng đang trĩu quả nhìn thật vui mắt. Bất thình lình Chấn bảo: Ông ăn thử xem, Chấn cầm trên tay vài trái ổi chìa ra mời tôi, không phụ lòng hiếu khách của chủ, tôi đưa lên miệng cắn thử, nhai ngộm ngoạm ngon lành, tôi thưởng thức cái vị ngọt ngọt, thơm thơm của ổi vừa chín tới, rồi nuốt ực. Từng hàng, từng luống, từng khu dưới bàn tay của chủ vườn, mỗi loại cây quả được quy hoạch thành từng cụm rạch ròi rất ưa nhìn. Cây cũng phải có kỷ luật như người lính ông ạ, Chấn cất tiếng bảo với tôi như vậy (Chấn đi bộ đội tháng 4/1975). Lang thang mải ngắm vườn cây quả, bất ngờ tôi bắt gặp một túp lều nhỏ, mái tôn, xung quanh quây bằng tôn, khung bằng sắt. Bên trong lều phần nền được lát bằng gạch men, có bàn thờ nhỏ trên đó bày mâm ngũ quả… thấy lạ tôi cất lời: Ông nè, đằng kia là lán hằng ngày ông trú mưa nắng khi lên làm vườn, còn túp lều này là ?
Thay cho câu trả lời, Chấn đưa tay kéo tấm chiếu treo trên vách lều xuống, rải ra nền, mời tôi ngồi xuống rồi nói: Ông ngồi đây uống nước đã vội gì ? Uống nước và thưởng thức hương vị của các loại trái cây trong vườn một hồi lâu, sau đó Chấn mời tôi đi dạo khu vườn. Đây ông ạ, Chấn vừa nói vừa đưa tay chỉ, tôi nhìn theo hướng tay của ông chủ vườn, Chấn nói tiếp: lều này nhằm hướng Tây, là hướng cũ của ngôi chùa cổ ngày xưa ông nhé, ông xem đây nè, trước cửa chùa còn những dấu tích từ thời cổ xưa, mặt tiền có bề ngang khoảng 25m, chiều sâu khoảng 35m, đây là cổng chính, hai bên cổng là những hòn đá đục đẽo sơ sài nhưng cũng dễ nhận ra đây là hình những con chồn, (Chấn vừa nói vừa chỉ như hướng dẫn viên du lịch), ở hai bên là cổng phụ, ở mỗi bên cổng phụ lại có những hòn đá tương tự như cổng chính, giữa nền là những hòn đá tảng, bề ngoài của những hòn đá này là hình vuông mỗi cạnh khoảng 55cm, bên trong được đục thành hình tròn, bề mặt phẳng lì, có đường kính khoảng 45cm, dày khoảng 30 cm chôn dưới nền, với những hòn xếp thành hàng dọc này theo lời các cụ kể là hàng đá tảng của cột hiên.
Chạy dài ra phía sau chừng 35m là cái ao có kích thước khoảng 5m x 12 m, Chấn dẫn tôi đến bên ao rồi nói tiếp: Trong ao là những cây sen xanh tốt (sen này các cháu mới trồng cách đây không lâu). Ngay bên cạnh bờ ao là cây si cổ thụ lá xanh đậm một màu, có đường kính tán cây khoảng 10m, cao chừng 12m, không biết được trồng từ bao giờ, khi còn bé anh em tôi lên đây chơi đã thấy, dưới gốc cây là những hàng đá được xếp thành từng tầng như có bàn tay con người xây để bảo vệ cây si. Trở về lán Chấn chỉ tiếp, còn đây là những mảnh vỡ giống như ngói mũi, mảnh giống như mặt con sư tử làm bằng đất nung… Như hiểu được trí tò mò của tôi, Chấn ngồi xuống xếp bàn tròn rồi kể tiếp:
Khu đất này có tên gọi là Pù Chủa (Đồi Chùa). Ngôi chùa này theo lời của các cụ tiền bối kể lại là do tướng quân Dương Vệ Tường thời hậu Lê dựng nên, ông là tướng quân giỏi có tài thao lược và thạo binh pháp, lại là phò mã nên được vua tin cẩn trọng dụng, vì thế mà triều đình lúc bấy giờ giao cho cầm quân lên trấn ải ở vùng này chống lại quân nhà Mạc (Mạc Đăng Dung), ngoài chùa này ra ông còn cho dựng thêm ngôi đền để thờ thần ở thôn Thôm Lạnh. Những năm thập niên 20, 30 thế kỷ trước, thời mẹ tôi còn nhỏ hay cùng dân làng, bầu bạn cùng trang lứa, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, ngày rằm tháng Giêng, lễ thanh minh… thường lên đây trẩy hội do chính quyền thời lúc bấy giờ tổ chức, mẹ tôi kể rằng: những ngày hội đông lắm vì ở Hà Hiệu này và vùng lân cận chỉ có ngôi chùa này mà thôi. Hội tổ chức các trò chơi dân gian như: tung còn, đánh cù, cờ người, say mạ… Các cụ già say mê đánh xấp ngửa bằng đồng xèng, chơi chẵn lẻ, trai gái thì hát lượn, hát si, tung còn, trao duyên bằng cách buộc tiền vào đuôi quả còn rồi tung cho nhau, nếu người kia đón quả còn chứng tỏ người đó có ý với mình, thời xưa tỏ tình kín đáo vậy đó, chứ đâu như bây giờ ông nhỉ?
Bất ngờ Chấn đứng dậy túm tay tôi rồi kéo ra ngoài. Anh thấy không đứng ở Pù Chủa này quan sát được rất rộng, ngoài kia là cánh đồng rộng nhất, trù phú nhất không chỉ riêng với Hà Hiệu mà là so với cả huyện đấy ông nhé, bên này là chợ xã, tiếp đó là trung tâm xã, còn kia là quốc lộ 253 nối liền từ quốc lộ 3 lên Tĩnh Túc của tỉnh Cao Bằng. Phía sau Pù Chủa được bao bọc bởi con sông Hà Hiệu, phía trước là núi… Chùa có thế rồng chầu hổ phục, thiêng lắm, ấy là lời các cụ cao niên kể lại.
Tôi đứng im, lặng lẽ phóng tầm mắt theo tay chỉ của Chấn, hết ra xa lại về gần, hết sang phải rồi sang trái. Tôi leo lên đứng trên phần đất cao hơn mà Chấn gọi là nền chính của chùa, quan sát cho rõ, quả là đúng như lời Chấn vừa kể.
Chấn cho hay thêm: Pù Chủa ngày xưa ngụ trên đó là điểm hẹn để muôn dân nơi đây và vùng lân cận thậm chí xa xôi hơn về đây hội tụ mỗi khi xuân về, tết đến. Người ta hội tụ tại đây không những để giao duyên, tiêu khiển qua những trò chơi dân gian, giao lưu tình cảm mà còn là nơi tâm linh thỏa trí về mặt tinh thần. Ở bất kỳ thời đại nào, địa phương nào hay nói xa xôi hơn nữa ở mỗi quốc gia nào, món ăn tinh thần với mỗi dân tộc, mỗi con người cụ thể là rất cần thiết không thể thiếu. Hiểu rõ được điều đó những năm gần đây Đảng và nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đã chấp thuận cho xây dựng, tôn tạo, gìn giữ bản sắc dân tộc, các ngôi chùa có tính lịch sử cách mạng… Ở mỗi vùng miền địa phương lại có những điểm tâm linh riêng, mỗi dân tộc có bản sắc truyền thống riêng biệt của họ.
Ngôi chùa ở Pù Chủa này, theo năm tháng đã dần bị mai một, nay chỉ còn những di vật tồn tại trong khu vườn của ông Dương Văn Chấn, nhưng những di vật ấy là minh chứng hiện thực khách quan cho ngôi chùa xưa đã một thời tồn tại ở vùng đất này. Có thể do đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh vì phải tập trung dồn sức người, sức của để đánh giặc giữ nước mà chưa có điều kiện thời gian sưu tầm, phát hiện, nghiên cứu, phục hồi, tôn tạo. Ngày nay đất nước được độc lập, thống nhất, đời sống văn hóa của nhân dân ngày một được nâng cao đồng nghĩa với nhu cầu về tâm linh người dân dần được cải thiện, hơn thế nữa đây là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sĩ, không những là tri ân của đồng bào mà còn là tính nhân văn cao cả của Đảng và nhà nước ta. Đã đến lúc các ngành, các cấp nhất là ngành văn hóa và du lịch đánh thức Pù Chủa để ngôi chùa này đồng hành cùng giá trị tâm linh của cuộc sống. (Theo sử VN thì Nhà Mạc không được chính sử công nhận là một vương triều chính thống, mà Dương Vệ Tường là tướng cầm quân chống lại nhà Mạc).
Pù Chủa cách Hà Nội khoảng 250km, cách trung tâm Bắc Kạn khoảng 50km về hướng Đông Bắc. Nếu có dịp hãy đặt chân lên đây cùng cảm nhận Pù Chủa này, có thể mỗi chúng ta là một tia sáng trí tuệ, khơi dậy tiềm thức thuần phong, tập quán và sự hướng thiện của mỗi con người từ lâu mong muốn có được một điểm hẹn về giá trị tinh thần tâm linh tại xã Hà Hiệu mà Pù Chủa là cái tên, là điểm sẵn có từ xa xưa để lại. Khi Pù Chủa trở thành điểm đến nghĩa là giải quyết được một phần công ăn việc làm, nâng cao đời sống văn hóa xã hội cho một bộ phận Nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đồng thời nâng tầm của ngành du lịch địa phương thêm phát triển, có lợi cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/khu-chua-co-post59283.html