Khu công nghệ cao TPHCM: Buộc dân trả nhà tạm cư, Chủ tịch quận 9 nói gì?
Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy đã trả lời Tiền Phong liên quan một số phản ánh của người dân bị giải tỏa nhà đất tại dự án khu công nghệ cao (CNC) về việc chính quyền yêu cầu trả tiền thuê nhà hàng tháng và nhiều lần ra thông báo buộc người dân trả nhà tạm cư...
Tối 7/8, trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy xác nhận ông biết rõ trường hợp gia đình ông Lê Xuân Trường và bà Hoàng Ngọc Trâm, chủ quán cà phê Vườn Dừa bị giải tỏa và đang ở khu tạm cư hẻm 41 đường Tăn Nhơn Phú (quận 9), chưa nhận nền tái định cư.
Ông Trần Văn Bảy cho biết người dân chưa nhận nền tái định cư chứ không phải là chính quyền không có chính sách.
“Mình vận động họ nhận nền tái định cư nhưng họ không nhận. Hoàn toàn không có chuyện chính quyền quận 9 yêu cầu người dân phải làm đơn xin mới cấp nền. Tất cả người dân mình đều mời và tiếp 3-4 lần. Anh cứ hỏi, người nào tôi cũng tiếp. Khu tạm cư ấy tôi đã xuống nhiều lần rồi. Tôi muốn tạo điều kiện tốt nhất cho bà con”, ông Bảy nói.
Tiếp tục hỏi Chủ tịch UBND quận 9 về phản ánh chính quyền yêu cầu người dân phải trả tiền thuê nhà tạm cư trong thời gian chờ bố trí tái định cư, ông Trần Văn Bảy cam kết: “Anh gặp dân rồi thì báo với bà con nếu có vấn đề gì cứ lên Ban Tiếp công dân quận viết mấy chữ. Tôi sẵn sàng tiếp bà con và giải thích hết đầu đuôi câu chuyện”.
Ông Bảy cũng cam kết sẽ cung cấp cho phóng viên toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến vấn đề chính quyền đã thu hồi đất ở phường Tân Phú, trong khi các quyết định thu hồi đất thể hiện đất cần thu hồi là thuộc phường Phước Long B.
Trước đó, tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều tối 6/8, trả lời câu hỏi của Tiền Phong về chuyện thu hồi đất nhầm phường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Chủ tịch UBND quận 9 có hai cách giải thích khác nhau.
Cụ thể: Chủ tịch UBND quận 9 cho biết việc thay đổi tên phường là lỗi kỹ thuật và thành phố đã phát hiện, điều chỉnh. Sau đó, Chính phủ cũng điều chỉnh tương tự, hoàn toàn không có chuyện thu hồi đất nhầm phường (thay vì thu hồi đất phường Phước Long B theo quyết định thì lại thu hồi đất ở phường Tân Phú).
“Chúng tôi giải thích với bà con về trình tự thu hồi đất và các thiếu sót của thành phố”, ông Bảy giải bày.
Trong khi đó ông Võ Văn Hoan giải thích: Có 1 phường không có, sao giờ lại có? Đó là do dự án mở rộng xa lộ Hà Nội thu hẹp lại so với quy mô ban đầu nên còn dãy đất dài, diện tích khoảng 5 - 6 ha. TPHCM quyết định thay vì dùng phần đất đó làm xa lộ thì chuyển sang làm khu CNC. Dù là dự án sản xuất kinh doanh nhưng khu CNC cũng phục vụ cho sự phát triển của TPHCM. Thu hồi dãy đất trên để khu CNC có mặt tiền đẹp. Đó là lý do vì sao có sự nhầm phường.
Tại buổi họp báo, khi PV Tiền Phong đặt câu hỏi về một trường hợp phải thuê nhà tạm cư và nhiều lần bị buộc trả nhà khi chưa được bố trí tái định cư khiến người dân bức xúc lên UBND TPHCM kêu cứu và được Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến tiếp, trực tiếp chỉ đạo giải quyết, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy nói không dự buổi tiếp dân của ông Trần Vĩnh Tuyến nhưng ông có nắm thông tin người dân nêu vấn đề như PV phản ánh.
Chủ tịch UBND quận 9 giải bày: Tôi vừa về quận 9 nhận công tác là trực tiếp xuống kiểm tra khu tạm cư. Chúng tôi cũng xuống thực địa kiểm tra. Các trường hợp tạm cư đều có chính sách, đều có căn hộ nhưng vì sao bà con vô? Vì nhận căn hộ, do hoàn cảnh gia đình phải bán đi. Có trường hợp đã có nền đất nhưng chưa nhận. Nói chung các trường hợp đều có chính sách.
“Chúng tôi mời bà con nhận nền. Có một số trường hợp đã nhận nền nhưng cứ ở đấy. Hết thời hạn tạm cư thì phải thu hồi nhà. Chúng tôi không muốn đẩy bà con vào cảnh khó khăn nhưng đúng là có một số trường hợp dân đã nhận nền, căn hộ nhưng không ở mà cứ tiếp tục tạm cư”, ông Bảy cho hay.
Như Tiền Phong đã thông tin, ông Lê Xuân Trường là chủ quán cà phê Vườn Dừa có chiều rộng hơn 70 m nằm ở vị trí mặt tiền đường Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) với tổng diện tích hơn 24.000 m2 bị cưỡng chế giải tỏa tháng 6/2006.
Gia đình ông được bố trí tạm cư trong khu C3, sau đó được đưa về khu tạm cư ở hẻm 41 Tăng Nhơn Phú. Vì căn phòng tạm cư diện tích chỉ hơn 20 m2, không đủ không gian sinh hoạt cho 7 người, vợ chồng ông đề nghị bố trí căn phòng rộng hơn thì đươc yêu cầu nộp tiền chuyển đổi nhà và chuyển sang hình thức thuê nhà với giá gần 1 triệu đồng/tháng.
Trong hai năm 2017, 2018, gia đình ông Trường nhận được thông báo của UBND quận 9 yêu cầu phải giao nhà và rời đi vì hết thời hạn tạm cư. Bức xúc, bà Trâm vợ ông Trường lên UBND TPHCM kêu cứu và được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến trực tiếp xem xét, chỉ đạo giải quyết. Kể từ thời điểm ấy, hàng tháng, gia đình ông Trường mới không còn phải trả tiền thuê nhà tạm cư.