Khu công nghiệp đón dòng vốn mới

Dòng vốn FDI dự báo tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam và các nhà phát triển khu công nghiệp đã có sự chuẩn bị để đón dòng vốn mới này.

Tại phía Bắc, nhu cầu về đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi đang tăng nhanh. Ảnh: Dũng Minh

Tại phía Bắc, nhu cầu về đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi đang tăng nhanh. Ảnh: Dũng Minh

Vốn FDI dự báo tăng mạnh

Mở đầu câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoo Swee Loon, Phó tổng giám đốc Le Mont Group nhận định rằng, do tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đà tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng giảm đi đáng kể trong nửa đầu năm 2023, song thị trường bất động sản công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc mở lại biên giới sau Covid.

“Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp công nghệ điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc Đại lục đến tìm hiểu và khảo sát môi trường đầu tư tại các địa phương. Tại Cụm công nghiệp Le Mont - Xuân Phương, nhà đầu tư chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia và Việt Nam”, ông Hoo Swee Loon chia sẻ và cho biết thêm, nhu cầu về đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi tại Việt Nam không ngừng tăng lên và miền Bắc đang là điểm đến ưa thích do có các chính sách ưu đãi hấp dẫn cùng cơ sở hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện.

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài của nhiều công ty đa quốc gia xuất phát từ chiến lược “Trung Quốc + 1” nhằm mục đích chia sẻ rủi ro hay “tránh bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine… làm đứt gãy chuỗi cung ứng, buộc nhiều nhà đầu tư phải định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á nổi lên như một “bệ đỡ”.

“Có một điều dễ nhận thấy về xu hướng đầu tư vào Việt Nam là hơn 60% số vốn FDI chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành này thu hút nguồn vốn lớn tập trung vào các khu công nghiệp có hạ tầng giao thông hoàn thiện, mặt bằng sạch, khả năng cung cấp năng lượng, xử lý nước thải ổn định, có hạ tầng xã hội - tiện ích cho người lao động, đây là một lợi thế rất lớn”, ông Sử nhấn mạnh.

Theo ông Sử, khi nhìn trên bản đồ đầu tư và số liệu thống kê, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đa phần đến từ khu vực Đông Bắc Á và Singapore bởi có sự tương đồng về văn hóa. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần nhau cũng là yếu tố tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư khu vực này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư có sự dịch chuyển từ các nhà đầu tư khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha… vào các ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ cũng xuất hiện nhiều hơn, nổi bật nhất là Mỹ.

Còn ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho hay, Hàn Quốc nằm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam với hàng chục dự án, trong đó có những dự án giá trị hàng tỷ USD và trong thời gian tới sẽ có thêm nguồn vốn lớn tiếp tục đầu tư vào đây.

“Hiện tại, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đã hiện diện ở Việt Nam như Samsung, LG, Huyndai, Lotte, CJ... Thông qua Diễn đàn Hàn Quốc - Việt Nam và các cuộc gặp với Chính phủ, các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đều khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam bởi đây là thị trường có nhiều triển vọng”, ông Choi Kyu Chul khẳng định.

Hơn 60% số vốn FDI chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo

“Đọc vị” khách thuê

Việc các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao thị trường Việt Nam như là một lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, mở rộng địa điểm sản xuất - kinh doanh cho thấy có nhiều cơ hội mở ra từ những dòng vốn đầu tư trực tiếp đang dịch chuyển tới Việt Nam, nhưng để kịp thời nắm bắt và chuyển hóa thành công, các chuyên gia cho rằng, cần hiểu rõ về xu hướng của những dòng vốn đó và có sự chuẩn bị phù hợp.

Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial chia sẻ, mỗi nhà đầu tư sẽ có những tiêu chuẩn riêng khi lựa chọn địa điểm đầu tư, nơi nào đáp ứng được các tiêu chuẩn này sẽ được lựa chọn. Tại Việt Nam, để thu hút các nhà đầu tư quốc tế còn nhiều yếu tố cần cải thiện, đầu tiên là cần có thêm các tuyến đường cao tốc, bởi các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn sự cam kết về tiến độ. Khi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đảm bảo tiến độ thì sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt.

“Hiện tại, đang có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm bị trễ hẹn, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh chóng để tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam”, ông Paul Wee nói và cho biết thêm, những nhà đầu tư lớn không chỉ kỳ vọng vào việc hoàn thiện hạ tầng kết nối, mà còn cần được cung cấp dịch vụ một cách ổn định cho các nhà máy, chẳng hạn trong việc cung cấp điện, họ khó có thể chuẩn bị kịp nếu chỉ được thông báo cắt điện trước 3 ngày và thiệt hại là không nhỏ nếu bị cắt điện suốt 24 giờ.

Ngoài ra, Việt Nam đang muốn tăng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao nên công tác đào tạo lĩnh vực này cần được chú trọng. Bởi khi các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam, nhu cầu về lao động có trình độ tại địa phương là rất lớn nên cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo để gia tăng chất lượng nguồn nhân lực.

Với Le Mont Group, ông Hoo Swee Loon cho biết, bên cạnh những thách thức về thị trường, về việc triển khai các chính sách mới, Công ty cũng đứng trước cơ hội để hoàn thiện và tối ưu hóa chiến lược phát triển. Đây là thời điểm Le Mont Group rà soát lại mọi quy trình, tăng cường chất lượng quản lý và tuân thủ các quy định mới để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của dự án.

“Để đón cơ hội từ dòng vốn đầu tư mới, Việt Nam và các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cần tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Điều này bao gồm việc nắm bắt xu hướng và nhu cầu của thị trường, cải thiện hạ tầng kết nối, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo các yếu tố quan trọng như quỹ đất, quy hoạch… được quản lý một cách hiệu quả”, ông Hoo Swee Loon nói.

Ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành Khối Bất động sản công nghiệp, Frasers Property Vietnam cũng thông tin, trước dự báo về nguồn vốn FDI mới gia nhập thị trường Việt Nam, Công ty đã nhanh chóng nắm bắt để có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách thuê.

“Một trong những lợi thế của Frasers Property là khả năng thấu hiểu thị trường trong nước, điều này giúp các khách thuê yên tâm hơn khi ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, Frasers Property cũng sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ khách thuê, kể cả việc điều chỉnh thiết kế để phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp”, ông Chong Chee Keong nói.

Trọng Tín

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/khu-cong-nghiep-don-dong-von-moi-328734.html