Khu công nghiệp sinh thái: Thúc đẩy tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Khu công nghiệp (KCN) sinh thái và chuyển đổi KCN truyền thống thành KCN sinh thái không chỉ phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà còn góp phần thúc đẩy tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là huy động, phân bố lại và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực (gồm cả tài nguyên thiên nhiên) để nền kinh tế có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn… Như vậy, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiệu quả (định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh…) chính là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Do đó theo TS. Nguyễn Đình Cung, cùng với việc tiếp tục nhất quán và kiên định thực hiện quan điểm, định hướng đã đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, cần chú ý thêm các yếu tố như: Áp dụng, sử dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ không hoặc ít gây rủi ro tác động đến môi trường; Không phát triển các ngành có nguy cơ lớn đối với ô nhiễm môi trường; Đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hợp lý theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu; Tái chế nước thải, chất thải, thương mại hóa các sản phẩm tái chế… “Và điều này hoàn toàn có thể làm được thông qua học hỏi kinh nghiệm, thực tiễn ở các địa phương, các mô hình KCN đã làm tốt, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường như trường hợp KCN Bảo Minh (Nam Định)”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu ví dụ.

Những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có chuyển đổi các KCN theo mô hình KCN sinh thái. Từ năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án triển khai KCN sinh thái. Giai đoạn 2015-2019, việc chuyển đổi đã được thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ và bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Từ năm 2020 - 2024, dự án tiếp tục được triển khai tại năm địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nước thải đã được xử lý đạt loại A QCVN 40:20021/BTNMT trước khi đổ ra kênh tại KCN Bảo Minh (Nam Định)

Nước thải đã được xử lý đạt loại A QCVN 40:20021/BTNMT trước khi đổ ra kênh tại KCN Bảo Minh (Nam Định)

Lộ trình chuyển đổi

Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) trong phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng vì thu hút đầu tư gắn với tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thực hiện vẫn còn những bất cập nhất định, như sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật; sự cẩn trọng “xin ý kiến qua lại giữa các cơ quan quản lý” trong xem xét đánh giá, giải quyết các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp… khiến nhiều việc đã có phần bị chậm lại. “Tình trạng đó nếu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện phát triển các KCN sinh thái trong giai đoạn tới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và Nghị quyết số 50-NQ/TW/2019”, chuyên gia này nhận định.

TS. Phan Hữu Thắng cũng chỉ ra rằng, việc chuyển đổi KCN truyền thống hiện hữu sang KCN sinh thái và các KCN mới được xây dựng theo mô hình sinh thái cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách và cơ chế phù hợp.

Theo đó, việc đầu tư cho KCN sinh thái, KCN xanh cần trở thành lựa chọn tất yếu trong định hướng phát triển của các địa phương, của các KCN. “Để mô hình KCN sinh thái nhân rộng trên cả nước và phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần sớm xác định ngay lộ trình chuyển đổi mô hình các KCN truyền thống sang các KCN sinh thái. Xây dựng mới các KCN sinh thái phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp”, TS. Phan Hữu Thắng đề xuất. Đồng thời, cần rà soát các quy định hiện hành về việc chuyển đổi các KCN với mô hình truyền thống hiện có sang mô hình phát triển các KCN sinh thái bền vững nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KCN. Những doanh nghiệp trong các KCN truyền thống cần nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi.

Gắn với đó, việc tổ chức thực hiện phải thật cụ thể, sát thực tế của từng địa phương cũng như gắn với định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực trong việc nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về KCN xanh, KCN sinh thái...

“Chú trọng hơn vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường sẽ giúp hệ thống KCN Việt Nam phát triển bền vững, thu hút nhà đầu tư chất lượng, gia tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trên từng mét vuông đất”, TS. Phan Hữu Thắng nói và cảnh báo: Trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI toàn cầu hiện nay, nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển - với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao mà Việt Nam đang rất cần - đều đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2030. Như vậy, nếu Việt Nam không có đủ số lượng KCN sinh thái sẽ mất đi cơ hội có thể thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao của họ.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khu-cong-nghiep-sinh-thai-thuc-day-tai-co-cau-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-153185.html