Khu công nghiệp Việt liên tục hút tỷ đô vốn ngoại
Thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục ghi nhận những diễn biến khả quan, với dòng vốn FDI mới dự kiến tiếp tục tăng trưởng...
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt mảng bất động sản khu công nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, phân khúc này tiếp tục là "mỏ vàng" của thị trường bất động sản Việt Nam bởi có nhiều yếu tố thuận lợi.
THI NHAU MỞ RỘNG
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thống nhất tờ trình về việc ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án mới của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.
Trong 3 năm tới, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào nhà máy tại Việt Nam để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Theo đó, Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đầu tháng 7/2024, trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam và Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty LH.
Theo đó, dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại khu công nghiệp Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Thời gian hoạt động của dự án tính từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 11/9/2068. Nhà máy tiến hành sản xuất thử nghiệm từ quý q/2025 đến quý 2/2025; bắt đầu sản xuất chính thức từ quý 3/2025 và đạt công suất tối đa từ quý 4/2035.
Hay hồi tháng 5/2024, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) và Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức đã ký kết hợp đồng thuê lại đất tại khu công nghiệp Châu Đức.
Electronic Tripod Việt Nam sẽ triển khai xây dựng nhà máy Electronic Tripod Việt Nam có diện tích khoảng 18ha tại khu công nghiệp Châu Đức, với vốn đầu tư 250 triệu USD.
Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam góp phần hiện thực hóa kế hoạch mở rộng và phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao của Tập đoàn Công nghệ Tripod. Đây cũng là dự án công nghệ cao có quy mô lớn nhất tại khu công nghiệp Châu Đức tính đến thời điểm hiện nay.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy Electronic Tripod Việt Nam sẽ sản xuất các loại mạch điện tử và bảng mạch điện tử với tổng công suất cả 2 giai đoạn là 372.000m2/năm, tương đương 1.800 tấn/năm, thu hút hơn 1.700 lao động. Dự án sẽ chính thức vận hành sản xuất giai đoạn 1 từ quý 3/2026, giai đoạn 2 từ quý 4/2029.
Còn CapitaLand Investment thuộc Tập đoàn CapitaLand dự kiến đầu tư thêm khoảng 110 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng danh mục hạ tầng bất động sản công nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, tính đến hết ngày 31/8/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì ngành bất động sản đứng thứ 2 về khả năng hút vốn đầu tư, đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%.
NHIỀU TIỀM NĂNG HÚT VỐN FDI
Nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận những diễn biến khả quan của thị trường bất động sản khu công nghiệp. Theo CBRE, đối với thị trường đất công nghiệp, giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Bắc tăng nhẹ 0,3% so với quý trước và 4,5% so với cùng kỳ, đạt ngưỡng trung bình 134 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Đối với khu vực phía Nam, giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Nam giữ mức 173 USD/m2/kỳ hạn còn lại, ổn định so với quý trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diện tích hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 220ha giúp tỷ lệ lấp đầy tại khu vực phía Bắc duy trì ở ngưỡng 83%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường miền Nam, tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 89% và diện tích hấp thụ đạt hơn 259ha trong 6 tháng đầu năm 2024.
Còn thị trường kho xưởng xây sẵn tại miền Bắc, trong nửa đầu năm 2024 có khoảng hơn 225.000m2 kho xưởng xây sẵn hoàn thành tại các thị trường cấp 1, trong đó diện tích xưởng xây sẵn chiếm đến 95%. Diện tích hấp thụ xưởng xây sẵn cũng vượt trội và cao gấp hơn 4 lần diện tích hấp thụ của nhà kho xây sẵn.
Đến hết quý 2/2024, tỷ lệ lấp đầy xưởng xây sẵn đạt 89% trong khi đó, các nhà kho tại khu vực phía Bắc duy trì ngưỡng lấp đầy 79%. Mức giá thuê của nhà xưởng xây sẵn đạt 4,9 USD/m2/tháng, tăng 1,9% theo năm trước và nhà kho xây sẵn đạt 4,6 USD/m2/tháng, giảm 1% theo năm.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường nhà kho xây sẵn tại miền Nam không có nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lấp đầy, do đó, tăng 9 điểm phần trăm so với quý trước đạt 63% nhờ các giao dịch lớn ghi nhận tại các dự án ở TP.HCM và Long An.
Ngược lại, thị trường nhà xưởng xây sẵn có những diễn biến sôi động khi các dự án quy mô lớn với tổng diện tích hơn 371.000m2 tại Bình Dương và Đồng Nai đi vào hoạt động trong sáu tháng đầu năm nay. Do nguồn cung tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ lấp đầy giảm 5 điểm phần trăm so với quý trước đạt 81%. Về giá thuê trung bình, giá thuê kho xưởng xây sẵn tại thị trường miền Nam vẫn giữ mức ổn định so với quý trước lần lượt đạt 4,5 và 4,9 USD/m2/tháng, với mức độ tăng trưởng đạt 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái đối với nhà kho và 1% đối với nhà xưởng.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao Chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội, trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5 - 8%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1- 4%/năm với phân khúc xưởng xây sẵn sẽ có tốc độ tăng giá cao hơn.
“Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 hay các khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, sự mở rộng của các chủ đầu tư hiện hữu hay gia nhập thị trường của các chủ đầu tư mới khiến cho bức tranh bất động sản công nghiệp thời gian tới càng trở nên sôi động”, bà An phân tích.
Thời gian tới, bất động sản khu công nghiệp sẽ có nhiều lợi thể để phát triển hơn nữa. Theo đó, báo cáo mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho thấy, dòng vốn FDI mới vào khu công nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Bởi sự phục hồi dòng vốn các đối tác truyền thống Hàn Quốc, Singapore nhờ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 cải thiện, xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận vẫn đang diễn ra.
Cùng với đó, làn sóng FDI “thế hệ mới” (công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn) nổi lên như một xu hướng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 hiệp định FTA, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Hàn.... Và Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối Asean các năm qua.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trong các năm gần đây đã và đang giúp tăng cường thúc đẩy môi trường đầu tư ổn định, minh bạch cho nhà đầu tư, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thực tế. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng là tiền đề cho phát triển khu công nghiệp bền vững.
Ngoài ra, Agriseco cho rằng, ngành bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi khi giải ngân đầu tư công đẩy mạnh, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào các tỉnh thành, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp sẽ tăng theo.