Khu dân cư ở TP Quảng Ngãi gần 50 năm không có đường đi
Gần 50 năm qua, 32 hộ dân ở xóm Gò Tây (thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải đi nhờ đường hồ tôm của một hộ dân để sang địa phương khác.
Người dân sẵn sàng hiến đất, góp tiền mở đường, nhưng do vướng 2 hộ dân không đồng ý nhường đất, nên việc mở đường vẫn đình trệ.
Xóm không có đường phải đi nhờ qua hồ tôm
Gần 50 năm qua người dân ở khu dân cư Gò Tây không có đường đi. Để thông thương với bên ngoài, 32 hộ dân ở đây phải đi nhờ bờ hồ nuôi tôm rộng chưa đầy 1m của người dân địa phương.

Sống ở TP Quảng Ngãi nhưng hàng chục hộ dân xã Tịnh Hòa phải đi nhờ qua bờ hồ nuôi tôm của người dân địa phương.
Ghi nhận cho thấy, tuyến đường dọc theo hồ tôm rộng khoảng 1m, dài khoảng 500m. Do bờ hồ nuôi tôm nhỏ hẹp, nguy cơ tai nạn rất lớn, nhất là vào mùa mưa gió do nền đất trơn trượt.
Những ngày đầu năm, thời tiết tại Quảng Ngãi mưa gió thường xuyên, tuyến đường dẫn vào xóm Gò Tây vốn dĩ đã "mệt mỏi" càng trở nên thê thảm hơn khi bùn đất nhầy nhụa. Hai xe máy đi ngược chiều nhau thì việc nhường đường không hề dễ dàng.
Nhiều người dân địa phương cho biết, từng có trường hợp người dân trong xóm ngã xuống hồ nuôi do tuyến đường trơn trượt. Để đi lại an toàn, nhất là các cháu học sinh, người dân trong xóm mua ván lát xuống nền đường vừa chống trượt vừa chống lún.
Bà Quyên, người dân trong xóm chua xót: Ở đây không có con đường nào khác để đi lại cả, nếu có thì không ai lại chọn "con đường đau khổ" như này để đi cả.
Không chỉ các cháu học sinh lo sợ bùn đất lấm lem, té ngã xuống hồ tôm mà người dân trong vùng cũng vật vã khi đi lại trên tuyến đường đau khổ này.
"Có hôm mang cá ra chợ bán, đi được nửa đường thì té, thế là cả xe máy, người và những giỏ cá rớt xuống hồ hết, tiếc đứt ruột mà chẳng biết làm sao…", bà Quyên nhớ lại.

Tuyến đường tạm bợ chênh vênh giữa bốn bề hồ tôm.
Còn ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, để đảm bảo việc đi lại, mỗi năm bà con trong xóm tổ chức tu bổ nhiều lần bằng cách mua đá dăm cấp phối về đổ lên cho khỏi lầy, trơn trợt. Mấy năm rồi, năm nào xóm cũng mất không dưới 7 triệu đồng để có đường đi.
Vướng hai hộ dân nên địa phương... bó tay
Được biết, khu dân cư Gò Tây với 30 hộ dân/105 nhân khẩu, nằm ngăn cách với Quốc lộ 24B bởi dòng sông Diêm Điền và hàng loạt hồ nuôi cá, tôm nằm san sát nhau.
Nhiều năm qua, tình trạng người dân ở đây đau ốm bệnh tật nhưng xe cứu thương không vào được nên bà con trong xóm phải dùng võng khiêng người bệnh ra QL24B để đưa lên xe. Đối với trường hợp người quá cố còn khổ hơn vì đường hẹp lại đi nhờ bờ hồ tôm nên đủ thứ lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhi, hộ dân trong xóm kể, tháng 7/2024, người thân bị đột quỵ lúc đêm khuya. Để cấp cứu, chị gọi cả xóm hỗ trợ móc võng khiêng ra đường lớn để đưa đi cấp cứu… vài ngày sau đó thì ông mất.
"Người bị tai biến, đột quỵ theo y khoa là không được mang vác, cõng đi mà phải nằm im chờ bác sỹ. Nhưng trường hợp như xóm tôi thì xe không vào được đành chấp nhận khiêng bộ. Ở TP Quảng Ngãi mà như tận vùng núi cao", chị Nhi nói.

Cuộc sống của người dân xóm Gò Tây gặp nhiều khó khăn do không có đường đi.
Trước tình cảnh khốn khổ vì không có đường đi, 32 hộ dân xóm Gò Tây nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương mở đường. Đồng thời, bà con trong xóm tự nguyện hiến đất. Song, theo các hộ dân ở đây, lý do đường không mở được vì hai trường hợp có đất đầu đường không đồng ý hiến đất.
Ông Nguyễn Duy Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa xác nhận: Hiện nay, người dân xóm Dò Tây chủ yếu đi qua đường đầm tôm. Đường nhỏ hẹp, đoạn rộng nhất chỉ 1m. Khó nhất là có người đau nặng, xe cấp cứu không thể vào được, phải khiêng võng ra đường lớn, hay có người mất người dân buộc phải thuê đội khiêng với chi phí rất cao. Hằng năm, địa phương đã hỗ trợ đất, đá bụi để người dân đổ đi lại tạm thời.
"Nhiều đợt tiếp xúc cử tri, họp hành, người dân đã ý kiến. Địa phương đã đưa tuyến đường này vào đăng ký kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ thì khu vực này vướng vào Quy hoạch của dự án Cơ sở đóng tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá Gò Tây. Do đó, không thể đầu tư", ông Hiệp cho hay.
Cũng theo ông Hiệp, để có đường đi cho người dân, địa phương đã vận động được hai đơn vị hỗ trợ làm đường cho người dân đi tạm thời. Tuy nhiên, qua làm việc với các hộ dân có bờ hồ thì họ không nhường đất nên cũng không thể triển khai.

Vướng hai trường hợp có đất không đồng ý hiến đất mở đường nên hàng chục hộ dân xóm Gò Tây sống trong cảnh không có đường đi.
"Chúng tôi đã báo cáo cấp trên, đề xuất di dời tái định cư cho khu này, nhưng khó khăn là các hộ dân ở đây chủ yếu làm biển, có ghe, tàu nên phải di dời vào khu vực có biển. Trường hợp khác là mở đường, nhưng việc bồi thường, vận động thì có 2 hộ không đồng ý. Vì vậy, địa phương chỉ có thể chờ", ông Hiệp nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đình Trường, Trưởng phòng quản lý đô thị TP Quảng Ngãi cho biết, khu dân cư Gò Tây nằm trong quy hoạch nhóm dự án đầu tư ngoài ngân sách và có nhiều vướng mắc nên chưa có hướng triển khai tiếp. Thành phố sẽ kiểm tra và có hướng xử lý hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi, đi lại của người dân.
"Chính quyền có trách nhiệm phải tính đến giải pháp hỗ trợ cho người dân. Lâu nay hiện hữu là vậy, nhưng khi đời sống nâng lên, người dân kiến nghị là hoàn toàn chính đáng. Do đó, thành phố sẽ sớm có giải pháp để đầu tư mới tuyến đường, hoặc có giải pháp để đảm bảo đường đi lại của nhân dân", ông Trường nói.