Khu Di tích lịch sử Chính phủ trong kháng chiến tại Tuyên Quang

Khu Di tích lịch sử Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi ở, làm việc của Văn phòng Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ và Ban Thanh tra Chính phủ từ năm 1948 đến năm 1954. Tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng đánh giá tình hình trong nước và thế giới; quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng về đường lối kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương vào tháng 3/1951. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương vào tháng 3/1951. (Ảnh tư liệu)

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 2/1947, theo chỉ thị của Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ do đồng chí Nguyễn Văn Lưu - Chánh Văn phòng cùng một số cán bộ gồm: Nguyễn Doãn Đính, Tuấn, Lê Thị Lịch… đến ở và làm việc tại thôn Cả (Hồng Thái) xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Ở thôn Cả một thời gian ngắn, sau đó Văn phòng chuyển đến ở, làm việc tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ, nhân viên các cơ quan Trung ương chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Người, tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương vào tháng 5/1950. (Ảnh tư liệu)

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ, nhân viên các cơ quan Trung ương chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Người, tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương vào tháng 5/1950. (Ảnh tư liệu)

Tháng 7/1947, đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng chuyển đi làm công tác khác.

Ngày 17/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 232/SL cử đồng chí Phan Mỹ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng giữ chức Chánh Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ.

Chị Lành Thị Kiên, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào cho biết, lịch sử ghi lại, ngày đầu đến đây, Văn phòng còn ít cán bộ. Sau một thời gian, để đáp ứng sự phát triển và phục vụ tốt hơn cho Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ mở rộng và tăng cường thêm nhiều cán bộ.

Khu cơ quan, nhà cửa tuy chỉ làm bằng những vật liệu tre, nứa, lá và gỗ rừng, nhưng được xây dựng rất khang trang. Bao gồm: Hội trường Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ; Nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà ở và làm việc của cán bộ Văn phòng; Nhà khách Quốc tế; Nơi ở và làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhân viên Phòng 7.

Nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương từ năm 1948-1954.

Nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương từ năm 1948-1954.

Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ ban đầu có bí danh là Trung đội 555, có thời kỳ còn gọi là Ban Thông tin Tháng Tám, sau đổi thành Ban Kiểm lâm 13.

Năm 1949, Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao (có bí danh Tiểu đội Thanh Sơn) sát nhập Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ.

Lúc này Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ lấy bí danh là Ban Kiểm tra 12. Bí danh này tồn tại cho tới khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ họp ngày 4/10/1949, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ được tổ chức quy mô lớn hơn thành các phòng, gồm: phòng Bí thư; phòng Nghiên cứu; phòng Thư ký Hội đồng Chính phủ; phòng Hành chính; phòng Thống kê; Ban Thanh tra Chính phủ; Ban Huấn học; Ban Kinh tế; phòng Mật mã; phòng Vô tuyến điện; phòng Giao tế; phòng Y tế….

Tại thôn Lập Binh, đã tổ chức nhiều cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội để quyết định những vấn đề quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bia di tích Khu di tích lịch sử Chính phủ.

Bia di tích Khu di tích lịch sử Chính phủ.

Từ ngày 30/9 đến 3/10/1948, Hội đồng Chính phủ đã họp bàn về một số vấn đề trong nước và quốc tế dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu về vấn đề thi đua, Người nêu rõ: Hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu hết về vấn đề thi đua, phong trào bình dân học vụ thi đua có kết quả là vì có nhiều cán bộ mà đều là cán bộ trong dân. Cho nên, trong việc vận động thi đua cần phải tránh xu hướng "bàn giấy", "công chức hóa".

Cán bộ thi đua cũng nên đào tạo như cán bộ bình dân học vụ, lấy người địa phương mà huấn luyện. Quân đội và nhân viên các cơ quan cũng có trách nhiệm vận động thi đua. Cần có sự phối hợp thống nhất chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả rõ rệt.

Từ ngày 14 đến ngày 16/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ để nhận định tình hình trong nước và quốc tế, bàn chủ trương công tác trong giai đoạn mới. Tổng kết phiên họp, Người kết luận: "Mọi việc muốn thành công, cần phải trông vào dân, các kế hoạch chương trình cần phổ biến cho dân hiểu và vận động dân tham gia".

Ngày 20/9/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo tình hình thế giới và trong nước, tình hình quân sự, việc thực hiện biên chế, các vấn đề nội chính, kinh tế, tài chính, văn hóa-xã hội.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một số ý kiến, kháng chiến cần có bộ đội, muốn bộ đội đánh giặc thì phải ăn no. Vấn đề thuế nông nghiệp phải được chú trọng đúng mức, như vậy mới cung cấp đủ gạo cho bộ đội. Từ trung ương đến địa phương phải thông suốt tư tưởng từ trên xuống dưới, phải cải tiến lề lối làm việc. Có kế hoạch trù bị ngân sách sớm cho Chính phủ và cho từng ngành. Hết sức giữ bí mật và quân sự hóa triệt để.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I, diễn ra từ ngày 1 đến 4/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo "Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất". Người nêu lên tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách ruộng đất "Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt. Chỉ có phát động quần chúng cải cách ruộng đất, ta mới tiến hành những việc đó được thuận lợi".

Với ý nghĩa và tầm quan trọng, năm 2000, Khu di tích lịch sử Chính phủ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trở thành địa điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế, là cái nôi giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khu-di-tich-lich-su-chinh-phu-trong-khang-chien-tai-tuyen-quang-post768605.html