Khu di tích lịch sử Pò Hèn: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước vùng biên giới

Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nơi ghi chiến công của những người con ưu tú anh dũng hy sinh vì chủ quyền biên giới Quốc gia. Là 'địa chỉ đỏ' trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn cách trung tâm TP Móng Cái gần 30km, là địa danh đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca. Đây là nơi ghi dấu cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất và hy sinh anh dũng không chịu khuất phục trước kẻ thù của cán bộ chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân dân trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) cùng Công nhân Lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc ngày 17/2/1979.

Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Trong cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biên giới quốc gia.

Điển hình như anh hùng liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa, sinh năm 1947, quê quán xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên - Trung úy, phó Đồn trưởng người chỉ huy mưu trí, dũng cảm.

Đồng chí Đỗ Sỹ Họa là cán bộ đã chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập nhiều chiến công xuất sắc. Mặc dù bị thương, sức khỏe giảm nhiều nhưng đồng chí vẫn tình nguyện lên biên giới phía Bắc để trực tiếp chiến đấu, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 10/3/1979, liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa được truy phong cấp Thượng úy và truy tặng Huân chương Quân công Hạng nhì. Ngày 19/12/1979 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tượng đài, đền thờ và nhà bia khắc tên tuổi những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới

Tượng đài, đền thờ và nhà bia khắc tên tuổi những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới

Tại đây còn có nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, sinh năm 1954, quê quán phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; cô nhân viên cụm thương nghiệp Pò Hèn - người con gái dũng cảm của TP Móng Cái - cô gái đảm đang của ngành thương nghiệp Hải Ninh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương yêu dấu, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Chị đã được ghi vào trang sử truyền thống của tuổi trẻ Quảng Ninh và ngày 10/3/1979 Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã truy tặng "Huy chương tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc".

Với những chiến công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 02/1979, Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân, sau đó chuyển xây dựng trụ sở đơn vị ở địa điểm mới.

Thể theo nguyện vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc trên biên giới, thân nhân các gia đình anh hùng, liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn trên chính mảnh đất mà các anh, các chị đã chiến đấu, hy sinh anh dũng. Đây là nơi “hội tụ” linh thiêng, một chứng tích lịch sử, điểm tham quan, di tích truyền thống trên biên giới.

Tấm ảnh lịch sử chụp tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn

Tấm ảnh lịch sử chụp tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn

Khu di tích còn là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình - hữu nghị nơi biên giới, được UBND TP Móng Cái phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh quản lý, phát huy giá trị và trở thành một địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh của thành phố.

Qua nhiều lần tôn tạo, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đã hoàn thiện với cổng chào, nhà đón tiếp, khu sân rộng rãi và trung tâm là Ðài tưởng niệm giữa những tán cây xanh. Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng quay về hướng Bắc. Đỉnh đài là biểu tượng ba bàn tay chụm vào nhau, tượng trưng cho ba dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ) cùng sinh sống, cùng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của biên cương đất nước. Chính giữa những bàn tay là ngôi sao năm cánh vàng tươi, biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và ý chí, khí phách kiên cường của những con người nơi biên cương Tổ Quốc.

Năm 2014, Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây cũng là 1 trong 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) trên cả nước. Mới đây, ngày 20/9/2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2288/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích cấp quốc gia Khu di tích lịch sử Pò Hèn.

Khu di tích hiện nay được khoanh vùng bảo vệ gồm các khu vực đài tưởng niệm, chốt đồi Quế, đài quan sát đồi Tây, Chốt trạm kiểm soát cửa khẩu Pò Hèn.

Xóm bích họa với những ngôi nhà của bà con đồng bào vùng biên sinh động và rực rỡ màu sắc

Xóm bích họa với những ngôi nhà của bà con đồng bào vùng biên sinh động và rực rỡ màu sắc

Bên cạnh điểm đến trong hành trình tri ân và khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vỹ của Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, hiện nay, nhân dân các dân tộc sinh sống tại xã Hải Sơn đã mở rộng các mô hình du lịch cộng đồng tại xóm bích họa nhằm giới thiệu cho du khách những nét đẹp văn hóa bản địa đặc sắc, góp phần phát triển đời sống kinh tế, giữ vững biên cương địa đầu Đông Bắc của Tổ Quốc.

Hàng năm, Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn có hàng nhiều đoàn khách, đoàn học sinh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ nơi đây.

V. Hùng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/khu-di-tich-lich-su-po-hen-dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-yeu-nuoc-vung-bien-gioi-d189342.html