Khu đô thị Thứ Bảy hoang hóa sau 17 năm xây dựng

Nằm cách TP Rạch Giá hơn 40km, khu đô thị Thứ Bảy tọa lạc trên một địa điểm gần như giao nhau giữa ba huyện vùng U Minh Thượng là An Biên, An Minh và U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là dự án trọng điểm mà Kiên Giang kỳ vọng sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, động lực thúc đẩy phát triển toàn vùng bán đảo Cà Mau. Nhưng sau 17 năm triển khai xây dựng, khu đô thị này trở nên hoang hóa, số công trình 'ngoi lên' chỉ lèo tèo, toàn bộ diện tích đất lau, sậy, cỏ dại mọc um tùm.

Căn nhà của anh Trần Hạnh, xây dựng cách đây sáu năm, tiền nhà và đất gần 1,5 tỷ đồng.

Căn nhà của anh Trần Hạnh, xây dựng cách đây sáu năm, tiền nhà và đất gần 1,5 tỷ đồng.

NDĐT - Nằm cách TP Rạch Giá hơn 40km, khu đô thị Thứ Bảy tọa lạc trên một địa điểm gần như giao nhau giữa ba huyện vùng U Minh Thượng là An Biên, An Minh và U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là dự án trọng điểm mà Kiên Giang kỳ vọng sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, động lực thúc đẩy phát triển toàn vùng bán đảo Cà Mau. Nhưng sau 17 năm triển khai xây dựng, khu đô thị này trở nên hoang hóa, số công trình “ngoi lên” chỉ lèo tèo, toàn bộ diện tích đất lau, sậy, cỏ dại mọc um tùm.

Khu đô thị... cỏ

Cầu Cài Lớn, Cái Bé hoàn thành và đưa vào sử dụng, toàn vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đã không còn cảnh lụy phà. Từ TP Rạch Giá xuôi về Thứ Bảy chỉ mất hơn một giờ đồng hồ. Giao thông thông suốt đã giúp cho kinh tế - xã hội của các huyện vùng U Minh Thượng phát triển nhanh chóng. Những khu chợ huyện, chợ xã, có những khu chợ tự phát xưa kia bó hẹp, thưa người nay được mở rộng về không gian, đông đúc về lượng giao thương hàng hóa. Nhưng với khu đô thị Thứ Bảy được quy hoạch bài bản, kỳ vọng lớn lại trở thành một điểm đen, xấu xí.

Từ Quốc lộ 63 rẽ vào một con đường rộng khoảng 10m, đi sâu vào bên trong, nhưng tôi không thể nhận ra đây là một khu đô thị mới. Những con đường ngang, lối dọc được tráng nhựa từ 5m đến 10m, nhưng đã bị cỏ dại lấn. Phía trong những con đường là lau, sậy mọc cao hơn đầu người. Một vài lô đất nằm ở góc đường đã được người dân xây dựng nhà ở, nhưng đã phủ màu rêu phong, cũ kỹ. Một vài trụ sở, cơ quan nhà nước, trường học trong khu vực cũng bị cỏ dại tấn công đến cổng, hàng rào.

Trong khu đô thị có công trình chợ nông sản, với quy mô khá bề thế, đầu tư hàng tỷ đồng nhưng hiện tại, công trình này đang bị bỏ hoang và đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Được biết, trong thời gian xây dựng công trình này, đã xảy ra một số sai sót liên quan kỹ thuật dẫn đến công trình hư hỏng, phải sửa nhiều lần.

Tìm mãi mới có người để hỏi thăm. Anh Dũng đang lui cui chế tác mớ rễ cây “khủng” thành những chiếc sofa, chỉ tay vào căn nhà độc nhất bên góc đường, nói: “Tôi cất nhà và dọn vào đây ở cũng được sáu năm. Tôi mua lô đất này và cất lên căn nhà tổng cộng hơn một tỷ đồng, dự định sẽ kinh doanh, nhưng nay chỉ để ở mà còn buồn...”. Anh Dũng cho biết, gia đình anh kinh doanh sạp đồ tươi trong chợ Thứ Bảy, dù nhà đơn chiếc nhưng anh phải chạy đi chạy về. Bởi khu đô thị vắng vẻ, nhà cửa không trông coi, trộm sẽ ghé “hỏi thăm”.

Trên trục đường chính từ quốc lộ vào khu đô thị, nhà cửa và các công trình xây dựng có khá hơn, nhưng còn vắng vẻ. Anh Trần Hạnh đang hái rau bên hè, dừng lại trò chuyện: “Tôi mua lô đất này 190 triệu đồng, cất lên căn nhà tổng cộng gần 1,5 tỷ đồng. Vào thời điểm sáu năm trước, với số tiền đó tôi đã mua được căn nhà trong các khu đô thị ở TP Rạch Giá rồi. Tính lại, tôi ngu thiệt!”. Theo anh Trần Hạnh, trục đường chính từ quốc lộ vào, lô góc hiện có giá khoảng 400 triệu đồng, các lô trong rẽ hơn khoảng 15%. “Nhưng định giá vậy thôi, chứ đất ở đây rất nhiều, ai mua mà bán”, anh Trần Hạnh nói.

Theo người dân nơi đây, khu đô thị được hình thành từ lâu, nhưng người dân bắt đầu xây dựng nhà ở từ 5-6 năm nay khi trường học, trụ sở UBND xã, quỹ tín dụng nhân dân... được xây dựng. Đa số người mua đất và xây dựng nhà ở là những tiểu thương kinh doanh ở chợ Thứ Bảy, số ít là công viên chức nhà nước đang công tác ở huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng.

Đầu năm 2016, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đến khu đô thị Thứ Bảy khởi công Dự án Nhà máy may Vinatex. Người dân mua đất hy vọng khu đô thị “sống” lại. Nhưng rồi thất vọng vì gần bốn năm trôi qua không một công trình nào liên quan đến dự án nhà máy được xây dựng.

Nhiều sai phạm trong quản lý

Được biết, Dự án Khu đô thị Thứ Bảy được triển khai theo Quyết định số 2033/QĐ-UB ngày 21-8-2002 của UBND tỉnh Kiên Giang với quy mô ban đầu là 320ha, tổng mức đầu tư hơn 592 tỷ đồng, do hai huyện An Biên và An Minh làm chủ đầu tư. Điều hành dự án là Ban Quản lý Khu đô thị Thứ Bảy, nguồn vốn đầu tư theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.

Ngày 21-1-2003, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 238/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết điều chỉnh xuống còn 129,41ha đất. Và ngày 14-11-2011, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều chỉnh diện tích đất còn 105,53ha, gồm: khu Công trình công cộng 44,0715ha; khu Trung tâm Thương mại 15,8723ha; khu Hành chính 17,5821ha; khu tái định cư 28ha.

Dự án này có bốn phương án bồi thường chính tại bốn khu và 17 phương án bồi thường bổ sung với tổng kinh phí bồi thường hơn 62 tỷ đồng, cho 648 hộ dân và 10 tổ chức. Trong đó, 609 hộ có đất bị thu hồi với diện tích 878.957m2 và 10 tổ chức với diện tích đất 24.021m2.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Kiên Giang về kết quả thanh tra dự án này cho thấy, công tác quản lý quy hoạch của địa phương còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng nhưng không được lập biên bản xử lý; chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, để dự án kéo dài tiến độ. UBND huyện An Biên, An Minh vi phạm Luật Đất đai năm 2003 khi không ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân có đất bị thu hồi; 29 hộ được bồi thường bổ sung về đất nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất bổ sung…

Về trình tự, thủ tục thực hiện dự án, chủ đầu tư còn nhiều sai sót như không tổ chức thẩm định lại nội dung điều chỉnh dự án, không lập báo cáo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, không đóng dấu đã phê duyệt vào từng bản vẽ thi công. Một số đơn vị thi công lập hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng không đúng theo quy định. Việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán sai về hệ số, định mức, khối lượng làm tăng giá trị dự toán công trình với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Thi công chưa đúng hồ sơ thiết kế, thanh toán đơn giá vật liệu và khối lượng không đúng thực tế thi công với số tiền hơn một tỷ đồng.

Về thu, chi tài chính, Ban Quản lý thu tiền bán nền bỏ ngoài sổ sách kế toán, số tiền 171,5 triệu đồng và không nộp đầy đủ tiền lãi ngân hàng số tiền 44,4 triệu đồng; thu, chi sai quy định tổng số tiền hơn 688,8 triệu đồng. Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Ban Quản lý tự rút tài khoản kinh phí bồi thường để sử dụng cá nhân hơn một tỷ đồng.

Kiểm điểm rút kinh nghiệm

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kết luận, trách nhiệm trong các sai phạm này gồm: tập thể lãnh đạo UBND huyện An Biên, tập thể lãnh đạo UBND huyện An Minh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên, Hội đồng bồi thường Dự án khu đô thị Thứ Bảy huyện An Biên và An Minh, Ban Quản lý Khu đô thị Thứ Bảy, UBND xã Đông Thái (An Biên), UBND xã Đông Hòa (An Minh).

Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp liên quan, như: Công ty Cổ phần tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang, Công ty Cổ phần Nhật Tảo, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Tứ Hải, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Trung Kiên Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hậu Phát...

Chịu trách nhiệm về cá nhân, có Chủ tịch UBND huyện An Biên, Chủ tịch UBND huyện An Minh, Chủ tịch Hội đồng bồi thường hai huyện An Biên và An Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Thái, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa và ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Ban Quản lý Khu đô thị Thứ Bảy.

Về xử lý hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với các tập thể và cá nhân. Riêng trường hợp ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Ban Quản lý Khu đô thị Thứ Bảy, tổ chức kiểm điểm có hình thức xử lý kỷ luật.

“Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Ban Quản lý Khu đô thị Thứ Bảy, để xảy ra nhiều sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý thu chi kinh phí, mua bán nền dự án, trong đó cá nhân tự ý rút tài khoản kinh phí bồi thường để sử dụng sai quy định, giữ lại tiền lãi ngân hàng để tiêu xài cá nhân chưa nộp ngân sách”, kết luận nêu rõ.

Trường THCS Đông Thái xây dựng trong khu đô thị đang bị cỏ tấn công.

Trường THCS Đông Thái xây dựng trong khu đô thị đang bị cỏ tấn công.

UBND xã Đông Thái xây dựng trong khu đô thị.

UBND xã Đông Thái xây dựng trong khu đô thị.

Chợ nông sản trong khu đô thị bị bỏ hoang.

Chợ nông sản trong khu đô thị bị bỏ hoang.

 Một góc đường có nhà, điều hiếm hoi trong khu đô thị.

Một góc đường có nhà, điều hiếm hoi trong khu đô thị.

Bài, ảnh: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40869602-khu-do-thi-thu-bay-hoang-hoa-sau-17-nam-xay-dung.html