Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen: Thực tập xử lý tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn quy mô lớn, phức tạp

Để chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, Công an tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh tổ chức thực tập phương án cứu nạn cứu hộ quy mô cấp tỉnh tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Lực lượng triển khai phun nước chữa cháy.

Lực lượng triển khai phun nước chữa cháy.

Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là tập hợp hệ thống các công trình kiến trúc Phật giáo, hệ thống cáp treo hiện đại. Hằng năm, Khu du lịch tổ chức nhiều lễ hội tâm linh có quy mô lớn như: Hội xuân núi Bà Đen, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, lễ vía Quan Thế Âm Bồ Tát… thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch và tham gia các hoạt động tín ngưỡng.

Ngoài ra, núi Bà Đen còn có khu rừng đặc dụng, diện tích khoảng 1.763 ha với nhiều lối mòn xuyên rừng; nhiều trường hợp du khách khám phá gặp nguy hiểm mất phương hướng, kiệt sức phải yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Với quy mô, đặc điểm, tính chất hoạt động, Khu du lịch tiềm ẩn nguy cơ cháy, sự cố, tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của du khách, nhất là vào thời điểm tổ chức các lễ hội.

Để chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, Công an tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh tổ chức thực tập phương án cứu nạn cứu hộ quy mô cấp tỉnh tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Các lực lượng tham gia thực tập.

Tình huống giả định đặt ra là: vào thời điểm tổ chức các hoạt động lễ hội tại Hội xuân Núi Bà, ở khu vực chùa Bà xảy ra vụ giẫm đạp lên nhau làm hàng chục người bị thương, do một số lượng lớn người hành hương chen lấn, xô đẩy. Sau 15 phút kể từ khi vụ giẫm đạp xảy ra, lực lượng tại chỗ đã phong tỏa hiện trường, giải tán đám đông, sơ cấp cứu người bị nạn; cùng lúc này bất ngờ xảy sự cố nổ cháy máy biến áp tại tầng 1 nhà ga cáp treo thuộc tuyến cáp treo chùa Hang.

Chấn động vì sự cố nổ lớn, hàng trăm người có mặt tại sảnh chờ hốt hoảng chen lấn, xô đẩy tìm cách thoát khỏi đám đông, giẫm đạp lên nhau làm nhiều người bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhiều người cần sự ứng cứu của lực lượng thường trực tại chỗ và lực lượng chức năng tổ chức hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ông Trịnh Văn Hà- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mặt Trời Tây Ninh cho biết, việc tổ chức thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, công nhân viên; là cơ hội để mọi người nâng cao ý thức PCCC và cứu nạn cứu hộ; rà soát chức năng, nhiệm vụ, phương tiện PCCC của công ty để bổ sung, bảo đảm theo đúng yêu cầu, quy định của cơ quan Nhà nước đặt ra.

Công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ là nhiệm vụ đặc biệt mà Ban lãnh đạo công ty và toàn thể cán bộ, công nhân viên ưu tiên hàng đầu, bởi đây là những tình huống có thể xảy ra. Song song với việc kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, phía công ty quan tâm thực hiện công tác PCCC nội bộ, rà soát, tổ chức diễn tập với quy mô 3 tháng một lần, kiểm tra đột xuất các đơn vị để mọi người thực hiện PCCC hiệu quả.

Thực tập sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn.

Trong buổi thực tập phương án cứu nạn cứu hộ, các lực lượng tham gia phát huy tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Ban Chỉ huy thực tập, tuân thủ chặt chẽ tình huống giả định, kịch bản đã được phê duyệt. Công tác phối hợp giữa các lực lượng thể hiện tính khẩn trương, áp dụng hiệu quả kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với thực tiễn của tình huống. Tư thế tác phong nhanh nhẹn, giải quyết hiệu quả nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia thực tập.

Anh Đỗ Sỹ Nguyên - thành viên Đội PCCC cơ sở cho biết: “Để chuẩn bị cho buổi thực tập, Đội PCCC của đơn vị đã tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể công việc của từng thành viên. Chúng tôi có thêm kỹ năng, biết cách vận dụng vào tình huống thực tế, kịp thời đưa ra giải pháp hiệu quả nhất khi có tình huống phát sinh để bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản”.

Sau khi kết thúc thực tập, các lực lượng tham gia nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế chỉ huy điều hành, xử lý sự cố tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; điều chỉnh bổ sung phương án cứu nạn cứu hộ khu vực núi Bà Đen cho phù hợp, hiệu quả.

Anh Nguyễn Hoàng Lập- Đội trưởng Đội PCCC cơ sở chia sẻ: “Qua buổi thực tập, lực lượng PCCC có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Tôi có thêm trải nghiệm mới, biết cách nhìn nhận sự việc để chỉ huy, điều phối Đội PCCC một cách chuyên nghiệp hơn”.

Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung công tác tuyên truyền, chỉ đạo xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC, điểm chữa cháy công cộng; vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân trên địa bàn, tiếp tục phát động phong trào Toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn cứu hộ; rà soát các nơi tập trung đông người, diễn ra các lễ hội và khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, ngập lụt để có phương án phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả.

Lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định; thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng thoát nạn cho cán bộ, công nhân viên, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, thực hiện tốt các quy định ngay từ cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Xây dựng, duy trì tốt hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, chuyên ngành đặc biệt là những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn để lực lượng này thực sự là nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tổ chức thực tập phương án xử lý tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra tại cơ sở và huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia để nâng cao tính chủ động, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng.

Các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật; hướng dẫn biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn và kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu. Phát huy vai trò và nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ; bảo đảm công tác thường trực sẵn sàng ứng phó kịp thời trong mọi tình huống; sẵn sàng phương án, kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tham gia xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố tai nạn phức tạp xảy ra; thường xuyên tổ chức tập luyện, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ giả định nhiều tình huống phức tạp huy động nhiều lực lượng phương tiện như: cháy dẫn đến sụp đổ công trình vùi lấp nhiều người; tình huống chen lấn, xô đẩy giẫm đạp tại các lễ hội tập trung đông người.

An Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khu-du-lich-quoc-gia-nui-ba-den-thuc-tap-xu-ly-tinh-huong-chay-no-su-co-tai-nan-quy-mo-lon-phuc-tap-a166775.html