Khu lưu niệm Nguyễn Trãi, địa chỉ vàng trong du lịch văn hóa, lịch sử tại Hà Nội

Dự án xây dựng Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là một công trình có ý nghĩa to lớn về văn hóa và là nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là tâm sức của Đảng bộ, nhân dân huyện Thường Tín nhằm tôn vinh công lao của ông.

Tên tuổi anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi như ngôi sao Khuê soi sáng bầu trời danh hương đất Việt. Bởi vậy, điều mong mỏi của người yêu văn hóa - lịch sử là được một lần ghé thăm đền thờ Ức Trai tiên sinh, một trong 68 nhà khoa bảng của huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ năm nay, Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi trở thành một “địa chỉ đỏ” cho người yêu sử Việt.

Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa gắn với đất danh hương

Ông Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín, Hà Nội - chia sẻ: Sử sách ghi rằng tổ tiên Nguyễn Trãi (tự là Ức Trai) vốn ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đó, ông nội đưa hai cha con Nguyễn Trãi đến Nhị Khê, mảnh đất Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay). Nguyễn Phi Khanh, cha Nguyễn Trãi, mở trường dạy học ở Trại Ổi. Yêu mến nơi đất lành, ông lấy hiệu là Nhị Khê, dân làng gọi ông bằng tấm lòng tôn sư trọng đạo “Nhị Khê tiên sinh”.

Từ vùng quê nghèo Thượng Phúc, Nguyễn Trãi học hành, rèn chí, luyện tài, Ức Trai tiên sinh đã đem chí anh hùng cứu nước và tất cả tài năng đó, phục vụ cho giải phóng dân tộc, cùng với Lê Lợi lập nên thắng lợi của sự nghiệp Bình Ngô, cứu nước - cứu dân khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Với vai trò và những cống hiến lớn lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trở thành anh hùng dân tộc. “Để mở nền muôn thuở thái bình, bốn bể phẳng lặng, sạch hết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước”. Dâng kế sách củng cố triều chính, chống gian thần lũng loạn, ông khuyên vua Lê Thái Tông rằng: “Hòa bình là cái gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... bệ hạ rủ lòng yêu thương muôn dân khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là cái gốc của nhạc vậy”. Ông luôn ý thức trách nhiệm: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.

Chính đức độ, lòng trung chính, yêu nước thương dân sâu sắc và tài năng kiệt xuất của ông khiến nhiều kẻ gian thần đố kỵ dẫn đến thảm án Lệ Chi Viên. Năm Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông minh oan cho ông và con trai duy nhất còn sống là Nguyễn Anh Vũ, ban cho chức Tri huyện, cấp 100 mẫu ruộng gọi là ruộng miễn hoàn cho con cháu dòng tộc. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”.

Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, Tổ chức giáo dục - khoa học và văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội và các đại biểu trồng cây lưu niệm.

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội và các đại biểu trồng cây lưu niệm.

Khu lưu niệm cần xứng tầm với đóng góp của Nguyễn Trãi

Để ghi nhớ và tôn vinh công lao của ông, hậu duệ của dòng tộc đã lập nhà thờ. Thế phả họ Nguyễn ghi rằng: Nhà thờ Nguyễn Trãi được dựng ở xóm Trù Lý, đến thời Minh Mạng mới chuyển ra địa điểm hiện nay; năm 1927, nhà thờ đại trùng tu; đến năm 1932, niên hiệu Bảo Đại xây cổng và tường bao quanh với quy mô như hiện tại.

Năm 1964, nhà thờ Nguyễn Trãi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia, công trình thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tu bổ, tôn tạo và khôi phục một số hạng mục như Ao Huê, Trại Ổi với quy mô phù hợp trong điều kiện kính tế còn hạn hẹp. Khuôn viên khu vực nhà thờ nhỏ hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách thập phương vào các dịp tuần tiết, lễ Tết. Chính vì vậy việc xây “Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” xứng tầm với tên tuổi - danh tiếng của ông, đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của nhân dân là cần thiết và cấp bách.

Xuất phát từ thực tế đó, nhằm đáp ứng nguyện vọng cấp ủy, chính quyền, nhân dân và dòng họ Nguyễn, năm 2016, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thường Tín đã có chủ trương thực hiện dự án gìn giữ, bảo tồn, xây dựng và tu bổ phát huy quần thể di tích anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, tại xã Nhị Khê. Tháng 6/2018, UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương cho huyện Thường Tín lập “Dự án đầu tư xây dựng khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê”. Giao cho UBND huyện và các sở, ngành thành phố nghiên cứu thực hiện.

Ngay sau khi được Thành ủy, UBND Thành phố đồng ý về chủ trương, Thường trực huyện ủy, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ban ngành Thành phố và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện quy trình triển khai. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, trên diện tích 2,7ha khu Ao Huê - Trại Ổi, nơi cụ Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) mở trường dạy học, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín đã triển khai xây dựng Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Theo cụ Nguyễn Thông, hậu duệ của Nguyễn Trãi, đây là nơi có thế đất “đầu sơn, chân thủy”, “địa linh, nhân kiệt”.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín, Thành ủy viên cùng lãnh đạo huyện tại Lễ đúc tượng Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín, Thành ủy viên cùng lãnh đạo huyện tại Lễ đúc tượng Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Nhằm tưởng nhớ công lao vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và củng cố tư liệu sử học phục vụ Khu lưu niệm Nguyễn Trãi, năm 2021, Ban thường vụ huyện ủy Thường Tín chủ trì cùng nhà sử học Lê Văn Lan và các nhà khoa học tổ chức hội thảo, biên soạn phát hành cuốn sách “Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi với quê hương Nhị Khê, Thường Tín, Thăng Long - Hà Nội”. Qua đó khẳng định thân thế, sự nghiệp, tầm vóc vai trò lớn lao của Ức Trai tiên sinh với dân tộc.

Tại hội thảo, GS. TS Hoàng Chí Bảo khẳng định: “Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà văn, anh hùng giải phóng dân tộc. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành một trong những khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Do vậy, huyện Thường Tín thực hiện dự án, xây dựng tháp Chí Nghĩa để bài trí nội thất khắc họa cuộc đời, thân thế sự nghiệp Nguyễn Trãi là hoàn toàn xứng đáng. Đây sẽ là điểm nhấn của Khu lưu niệm nói riêng và của ngành văn hóa huyện Thường Tín nói chung, là điểm đến quan trọng của du khách khi tham quan du lịch ở địa phương”.

Còn GS. TS Lã Nhâm Thìn cho rằng: Nguyễn Trãi là thiên tài, là bậc vĩ nhân với lý tưởng cao cả vì nước, vì dân, vì môi trường cuộc sống,… nhưng cũng hết sức đời thường với khát vọng rất con người trần thế. Do đó, Khu lưu niệm Nguyễn Trãi cần phản ánh đầy đủ, toàn diện tầm vóc của cụ Nguyễn Trãi. Trong khu lưu niệm cần thiết kế, xây dựng có không gian làng quê quen thuộc.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cũng thống nhất với ý kiến của các chuyên gia, nhà sử học, đồng thời khẳng định: Từ những đóng góp, góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, huyện sẽ thống nhất cách bài trí, bố cục hài hòa, miêu tả được rõ nét những dấu mốc trong cuộc đời anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, nhằm phát huy tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật của Khu lưu niệm Nguyễn Trãi…

Dự án xây dựng Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là một công trình có ý nghĩa to lớn về văn hóa và là nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là tâm sức của Đảng bộ, nhân dân huyện Thường Tín nhằm tôn vinh công lao của ông. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các sở, ngành đã tích cực tham mưu cho Ban cán sự đảng thành phố, Ban Thường vụ thành ủy về chủ trương xây dựng dự án, biểu dương huyện Thường Tín đã khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư và hoàn thành các thủ tục đầu tư công trình”.

Cụ Nguyễn Thông - hậu duệ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi - chia sẻ: “Chính quyền, nhân dân và gia tộc họ Nguyễn luôn trăn trở chưa có một công trình xứng đáng với tầm vóc, công trạng của Nguyễn Trãi trên quê hương Nhị Khê, do vậy việc xây dựng khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân và gia tộc để tôn vinh cụ”. Cụ Nguyễn Thông khẳng định: Nơi đây sẽ là điểm giáo dục về lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ, phát huy các giá trị về văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

“Khu lưu niệm được huyện Thường Tín đầu tư xây dựng với quy mô rộng lớn và nhiều hạng mục nhằm lưu niệm, tôn vinh công lao của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi khiến gia tộc chúng tôi thực sự cảm thấy tự hào và vinh dự vô cùng to lớn. Thay mặt cho gia tộc họ Nguyễn tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố và lãnh đạo huyện đã luôn quan tâm tới việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình tôn vinh Nguyễn Trãi” - cụ Nguyễn Thông bày tỏ.

Đền thờ Nguyễn Trãi đang được xây dựng đúng tiến độ.

Đền thờ Nguyễn Trãi đang được xây dựng đúng tiến độ.

Kết nối các điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn

Ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín - chia sẻ: “Dự án Khu lưu niệm là tâm huyết, là nguyện vọng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân, trong nhiều năm qua mong muốn xây dựng một công trình nhằm tôn vinh, tưởng nhớ tới công lao to lớn của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi trên quê hương Thường Tín”. Ông Nguyễn Xuân Minh cho biết, cùng với công trình tâm huyết này, địa phương luôn chú trọng huy động nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, mà trọng tâm là việc hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện.

Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện có chủ trương phát huy nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Với sự đồng thuận của người dân, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Có thể nếu một vài dẫn chứng: Huyện có 126 làng nghề, đã có 48 làng nghề được cộng nhận là làng nghề truyền thống, một làng nghề Hà Nội; hát trống quân xã Khánh Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể; Văn Từ Thượng Phúc, nơi tôn vinh 68 nhà khoa bảng của huyện được đầu tư tu bổ, tôn tạo 100% từ nguồn huy động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng.

Các xã, thị trấn đã huy động nguồn xã hội hóa, đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ di tích. Cùng với yêu cầu quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật; mỗi hạng mục đều phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, đúng tiến độ để dự án được thực hiện thành công, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị: Các sở, ngành sớm rà soát, cập nhật, bổ sung di tích lịch sử, làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín và đặc biệt là Khu lưu niệm anh hùng dân tộc danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vào quy hoạch du lịch Thủ đô, định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện vào phát triển du lịch Thủ đô.

Tuấn Thùy/Báo TNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/khu-luu-niem-nguyen-trai-dia-chi-vang-trong-du-lich-van-hoa-lich-su-tai-ha-noi-post1075742.vov