Khử mùi cho căn nhà và những điều không phải ai cũng biết

Để nâng cao chất lượng không gian sống, giảm thiểu tác nhân gây hại cho sức khỏe thì việc 'khử mùi' cho nhà cần tiến hành định kỳ tương tự như làm vệ sinh, bảo trì bảo dưỡng, theo các vấn đề cụ thể của mỗi ngôi nhà.

Việc kiểm tra, khử mùi định kỳ nhà cửa không chỉ giúp đảm bảo chất lượng sử dụng công trình, mà còn giúp giảm bớt nguy cơ tích tụ các chất thải, chất gây mùi khó chịu. Ảnh Malloca cung cấp

Việc kiểm tra, khử mùi định kỳ nhà cửa không chỉ giúp đảm bảo chất lượng sử dụng công trình, mà còn giúp giảm bớt nguy cơ tích tụ các chất thải, chất gây mùi khó chịu. Ảnh Malloca cung cấp

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có một nửa dân số thế giới (khoảng 3 tỷ người) bị phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong nhà do đốt các nhiên liệu rắn. Các căn bệnh do ô nhiễm không khí trong nhà như phổi tắc nghẹn mạn tính COPD ở người lớn, và viêm phổi nặng ở trẻ em đã và đang gây ra cho khoảng 4 triệu ca tử vong trên toàn thế giới năm 2012 (*) khói bếp là thủ phạm đứng hàng thứ tư trong việc làm tăng tỷ lệ tử vong, bệnh tật ở hầu hết các nước đang phát triển.

Không chỉ thế, mỗi một ngôi nhà sau thời gian dài sử dụng sẽ lưu lại những mùi khó chịu tiềm ẩn vô số bệnh tật liên quan đến chất lượng không khí trong nhà. Việc nhà bị xuống cấp và tự phát sinh ô nhiễm là điều hiển nhiên bởi các quá trình sinh hoạt, cộng hưởng với đủ thứ tương tác tốt lẫn xấu khiến nhà cửa thành nơi tích tụ nhiều mùi phức tạp nhất.

Theo bề mặt từ tổng thể đến chi tiết

Việc khử mùi cho nhà liên quan đến vật liệu, kỹ thuật cần bắt đầu từ các bề mặt, cụ thể là các bề mặt ốp lát (làm vệ sinh, thậm chí thay gạch nền, sàn gỗ, gạch ốp tường nào đã xuống cấp) hoặc sơn phết (chống thấm, thay đổi màu sắc, sơn lại tường và cửa).

Tiếp đến là nâng cấp các bề mặt vật dụng (bọc lại nệm ghế, thay kính và gương soi, dán giấy dán tường…). Mùi hôi tại khu vệ sinh còn hay đến từ hệ thống đường ống, phểu thu sàn và thiết bị vệ sinh lâu ngày bị rò rỉ, tắc nghẽn, hư hao, cần kiểm tra, làm sạch và có thể thay mới.

Và cuối cùng là dùng ánh sáng (đèn, rèm, mở rộng hệ thống cửa nếu cần thiết để đưa ánh sáng mặt trời vào nhiều hơn) giúp khử khuẩn cho các bề mặt cũ. Như vậy, việc làm mới ngôi nhà về khía cạnh vệ sinh, chất lượng không khí đòi hỏi gia chủ phải có cái nhìn tổng thể lẫn cả chi tiết, thậm chí có thể còn phức tạp hơn làm một ngôi nhà mới hoàn toàn nếu như từ lúc đầu không có những tính toán thiết kế để thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên tốt.

Không khí dễ chịu trong nơi ở còn đến từ các bề mặt ít đọng bụi, có ánh sáng tự nhiên chiếu vào, hay còn gọi là không gian “thơm mùi nắng”.

Không khí dễ chịu trong nơi ở còn đến từ các bề mặt ít đọng bụi, có ánh sáng tự nhiên chiếu vào, hay còn gọi là không gian “thơm mùi nắng”.

Đa số nhà cửa hiện nay thường đóng trần thạch cao dưới sàn bê tông, trong đó hệ trần phía dưới sàn vệ sinh là nơi tiềm ẩn nguy cơ chịu rò rỉ đường ống phía trên khá nhiều. Việc đóng trần chừa sẵn một ô khoảng 50x50cm tháo lắp được, khi cần có thể nhấc ra sửa chữa, tìm các nguyên nhân rò rỉ đường ống gây mùi hôi.
Tất nhiên, chỉ có gia chủ đã qua quá trình sống mới thấu hiểu ngôi nhà của mình bị đọng mùi, ẩm mốc hay xuống cấp ở đâu, biết chỗ nào “bốc mùi” nhất cần chỉnh sửa. Nếu gia chủ chưa có kinh nghiệm thì sẽ dễ bị cuốn theo các cố gắng mang tính hình thức, không kiểm soát nổi (ví dụ: sự phô trương mặt tiền, sử dụng vật liệu đắt tiền nhưng không hiệu quả, mua sắm vật dụng dư thừa…).

Khi tiến hành khử mùi cho nhà cũ, đó cũng là cơ hội để các bề mặt không gian và vật dụng được chỉnh sửa phù hợp (đơn giản như thuở xưa ông cha ta quét vôi hàng năm, lau dọn nhà cửa) nên giúp không khí trong nhà được biến đổi tích cực ngay, điều kiện vệ sinh môi trường trong nhà tốt hơn.

Cảm giác về không khí dễ chịu trong nơi ở còn đến từ các bề mặt ít đọng bụi, có ánh sáng tự nhiên chiếu vào, hay còn gọi là không gian “thơm mùi nắng”, và có những chất liệu hoàn thiện dễ làm sạch để giúp cho tâm lý người dùng thoải mái, hành động tích cực hơn trong việc gia tăng dọn dẹp mỗi ngày, khử khuấn và khử mùi cho không gian sống.

Theo thứ tự không gian

Nếu chưa có điều kiện hoặc thời gian khử mùi toàn nhà, có thể tiến hành việc này theo thứ tự không gian ưu tiên. Phần gắn bó thiết thân nhất với người cư ngụ chính là các không gian riêng tư, trong đó phòng ngủ và phòng vệ sinh là 2 không gian cơ bản.

Xu hướng hiện nay là tạo chỗ riêng tư thanh khiết, trong lành, tránh biến góc ngủ trở thành phòng làm việc, hay chỗ tiếp đón bạn bè (dù là bạn thân). Vì việc giao tiếp nhiều và hệ thống thiết bị máy móc điện tử, giấy tờ, đồ ăn… sẽ biến riêng thành chung, đủ thứ mùi “vãng lai” tác động.

Các kiến trúc sư có kinh nghiệm khuyến cáo nên làm góc ngủ riêng tư nhỏ gọn, rồi đưa nơi làm việc, thay đồ, coi phim, tập thể dục… ra các khoảng chung hoặc không gian kề cận, sẽ giảm thiểu sự bừa bộn và khả năng mất vệ sinh do quá nhiều hoạt động nơi phòng ngủ. Có thể vẫn bố trí các thiết bị điện tử hay tủ đồ trong phòng nhưng cần tách bạch với khu vực giường ngủ bằng vách ngăn nhẹ, hay phòng đệm.

Ngay cả tủ quần áo và bàn trang điểm cũng là nơi lưu giữ nhiều mùi khó chịu, như một dạng kho, lại hay đọng ẩm, nếu có thể cần tách tủ quần áo thành những tủ chuyên dùng, như tủ đồ mặc đi làm, đồ lót, hộp cất tư trang, khoảng móc treo đồ đang mặc dở… ở không gian tương ứng, thông thoáng và có nắng chiếu vào. Tức là có nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng không khí trong phòng ngủ xuất phát từ cách bố trí ban đầu, thói quen sinh hoạt và khả năng thông thoáng để tránh tụ ẩm, mốc, sinh mùi khó chịu.

Nhiều gia đình rất chăm chút, tỉ mẩn trang trí và trang bị vật dụng thật đẹp cho khu vệ sinh, bên cạnh đó việc giữ cho nơi đây thoáng, sạch cũng là một yếu tố ưu tiên cần dọn dẹp, lau chùi định kỳ.

Nhiều gia đình rất chăm chút, tỉ mẩn trang trí và trang bị vật dụng thật đẹp cho khu vệ sinh, bên cạnh đó việc giữ cho nơi đây thoáng, sạch cũng là một yếu tố ưu tiên cần dọn dẹp, lau chùi định kỳ.

Đối với phòng vệ sinh, khả năng làm sạch thông qua bề mặt (đã nói ở trên) và tăng cường ánh sáng tự nhiên, giảm bớt ẩm thấp sẽ giúp phòng vệ sinh không còn là nơi nặng mùi trong nhà nữa. Việc thường xuyên kiểm tra tuyến thoát nước, ống thông hơi, hút hầm cầu theo định kỳ và bố trí quạt thông gió hợp lý sẽ giúp cho phòng vệ sinh giảm thiểu các mùi khó chịu. Cũng cần nói thêm về bồn tắm nằm, một thiết bị nên cân nhắc có gắn hay không, vì không phải ai cũng quen dùng, lại là nơi dễ đọng ẩm, khó được vệ sinh triệt để và gây mùi khó chịu.

Khu vực bếp ăn là nơi tỏa nhiều mùi nhất, cần sự cẩn trọng trong thiết kế và sử dụng. Dù thiết bị làm bếp, tủ kệ, máy móc có hiện đại đến đâu thì vẫn cần bố trí bếp hợp lý theo khí hậu, tập quán nấu nướng hợp môi trường, thói quen ăn uống thuần Việt. Đó là một gian bếp cần nắng gió ra vào đầy đủ, nhất là ở khu vực bồn rửa, bàn gia công, và đừng quên cái sàn nước tuy “nhà quê” mà rất hữu dụng. Sàn nước vừa giảm áp lực cho bồn rửa, vừa đáp ứng nhu cầu khi có tiệc tùng đông người, cũng là chỗ đặt các vật dụng phụ trợ như thùng rác, đồ vệ sinh, nơi phơi phóng khăn lau hay vật dụng ăn uống hàng ngày cho khô ráo.

Sàn nước cần đặt “xa mà gần” với không gian bếp ăn, sao cho quá trình đi lại không phiền phức, nhưng phải tránh “lộ diện” vào nơi sinh hoạt hàng ngày. Có sàn nước bên ngoài đi cùng với bếp “dã chiến” cách khoảng với nhà chính sẽ giúp nội thất bếp sạch sẽ thơm tho hơn, đúng kiểu “tốt khoe xấu che” xưa nay. Còn dĩ nhiên phần bếp nấu phải có máy hút khử mùi, và thậm chí là ống dẫn khói ra ngoài. Các loại đèn compact diệt khuẩn (dùng ozon) cũng đóng góp khá hữu dụng trong khử mùi cho các không gian bếp ăn.

Chớ quên vài mẹo nhỏ

Song hành cùng việc rà soát lại về bố trí và tác động vào phần không gian, có thể nâng chất lượng không khí trong nhà trở nên thơm mát, trong lành, an toàn và dễ chịu hơn với vài mẹo nhỏ mà dân gian và các nhà khoa học đã kiểm chứng khá hiệu quả dưới đây:

- Muốn khử mùi mốc ở quần áo cũ, có thể phun lên đồ một ít rượu vodka rồi phơi khô ở nơi thoáng gió. Rượu vodka nguyên chất sẽ diệt hết vi khuẩn mà không để lại mùi trên quần áo.

- Dù đã lấy sạch rác từ những ống đựng rác trong chậu rửa, mùi bốc ra từ nó vẫn còn rất khó chịu. Hãy thả vỏ cam xắt nhỏ xuống ống này rồi vặn xả nước nóng để khử mùi. Vỏ chanh, vỏ bưởi hay chanh leo cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Khi các ngôi nhà ngày càng được nâng chất về phong cách, kiểu dáng và đồ nội thất thì nơi nào có được chất lượng không khí tốt, mùi hương thú vị, khỏe khoắn dễ chịu hơn, nơi ấy chắc chắn sẽ là chốn cư trú an lành. Ảnh Malloca cung cấp

Khi các ngôi nhà ngày càng được nâng chất về phong cách, kiểu dáng và đồ nội thất thì nơi nào có được chất lượng không khí tốt, mùi hương thú vị, khỏe khoắn dễ chịu hơn, nơi ấy chắc chắn sẽ là chốn cư trú an lành. Ảnh Malloca cung cấp

- Khi tủ lạnh bốc mùi khó chịu, hãy lau tủ lạnh bằng miếng xốp mềm có tẩm hỗn hợp giấm pha nước theo tỷ lệ 1 giấm/1 nước. Cũng có thể dùng một túi nhỏ đựng than hoạt tính và đặt trong tủ lạnh. Một cách khác là lấy vỏ quýt tươi mới bóc rửa sạch, rồi đem trải đều vào tủ lạnh. Sau 3 ngày bỏ ra giúp tủ có mùi vỏ quýt thơm dịu, át hết mùi hôi. Vỏ chanh, cam, quýt dùng lau cánh quạt và khung lồng bọc quạt đứng, quạt hút gió còn giúp quạt thổi gió trong lành và có mùi thơm nhẹ.

- Mùi hôi, khét dưới thảm trải sàn có thể do chất bẩn từ ngoài đường vào hoặc do thú nuôi trong nhà. Khử loại mùi này bằng cách rắc bột baking soda lên thảm, để vài tiếng rồi làm sạch bằng máy hút bụi.

- Tầng hầm, các góc ẩm thấp thường bốc lên những mùi khó chịu do không khí tù hãm, ẩm thấp. Để “tống khứ” chúng, hãy thử cắt một củ hành tây rồi đặt vào đĩa và bỏ vào góc ẩm thấp, để qua đêm sẽ giúp không khí trong lành hơn mà không hề vương chút mùi hành nào.

- Đốt nến không chỉ đem lại nét lãng mạn mà còn giúp khử hết mùi khói thuốc trong phòng khách, phòng ăn. Các loại sáp có pha thêm hương liệu như quế, oải hương, chanh tự nhiên còn giúp thư giãn, sảng khoái trong phòng ngủ rất hữu hiệu. Đốt giấy báo cũ rồi huơ lên trên khu vực bàn cầu cũng giúp khử mùi amoniac trong toilet khá tốt.

- Đun một ít giấm trong nồi rồi cho bốc hơi sẽ giúp giảm bớt mùi nấu nướng trong bếp. Lau chùi bằng nước ấm pha với giấm cùng bột baking soda cũng là cách hiệu quả để làm sạch bàn bếp sau một buổi chế biến đủ thứ món ăn.

Bài: KS Quang Trân - Ảnh: KT&ĐS

________________

(*) Nguồn: United States Environmental Protection Agency (EPA) - https://www.epa.gov/indoor-air-quality-iaq/clean-cookstoves; https://www.epa.gov/indoor-air-quality-iaq/improving-indoor-airquality
World Health Organization: Household (Indoor) Air Pollution - http://www.who.int/indoorair/en/

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khu-mui-cho-can-nha-va-nhung-dieu-khong-phai-ai-cung-biet-24320.html