Khu phố Đông London 'như vùng chiến sự', cháy rụi vì nắng nóng kỷ lục

Cái nóng kỷ lục tại Anh trong những ngày qua đã khiến bà Eileen Hilton (53 tuổi) có một làn da nâu rám mơ ước mà không cần phải tắm nắng. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại khu phố nơi bà Eileen Hilton sinh sống cách đây một tuần - thời điểm ghi nhận nhiệt độ cao nhất lịch sử nước Anh, đã khiến bà 'tạm dừng chuỗi suy nghĩ tích cực'.

CNN ngày 27/7 đưa tin, khu phố Dagenham phía Đông London đã bị thiêu rụi hôm 19/7 - "ngày thứ ba lịch sử" khi nhiệt độ ở đây vượt quá 40 độ C. Khói và lửa bao trùm cả khu phố sau khi một đám cỏ ở công viên The Leys bất ngờ bùng cháy và tiếp tục lan ra rất nhanh.

Bà Eileen Hilton kể lại: "Cảnh sát có mặt ở khắp mọi nơi, đập cửa từng nhà để hỗ trợ các gia đình thoát ra ngoài trước khi quá muộn. Một sự hỗn loạn bao trùm nhưng may thay không có thiệt hại về người".

Nhiều gia đình "mất hết" sau vụ hỏa hoạn ở khu phố Dagenham vì nắng nóng kỷ lục. Ảnh: CNN.

Nhiều gia đình "mất hết" sau vụ hỏa hoạn ở khu phố Dagenham vì nắng nóng kỷ lục. Ảnh: CNN.

Theo giới chức London, vụ hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn 14 ngôi nhà và làm hư hại nghiêm trọng 6 ngôi nhà khác, biến Dagenham trở thành nạn nhân mới nhất của thời tiết cực đoan tại Anh. Hơn 200 cư dân đã được sơ tán và lưu trú khẩn cấp tại khách sạn cũng như một vài căn hộ ở các khu vực xung quanh.

Truyền thông địa phương cho hay, đây chỉ là một trong hàng trăm vụ hỏa hoạn khác xảy ra khắp London hồi tuần trước, khiến hàng trăm ngôi nhà và cửa hiệu chỉ còn lại đống tro tàn.

Bà Eileen Hilton tại khu lưu trú khẩn cấp sau khi căn nhà của bà bị thiêu rụi. Ảnh: CNN.

Bà Eileen Hilton tại khu lưu trú khẩn cấp sau khi căn nhà của bà bị thiêu rụi. Ảnh: CNN.

Một tuần sau khi "bà hỏa ghé thăm", khu phố Dagenham ở phía Đông London tan hoang "như vùng chiến sự". Ảnh: CNN.

Một tuần sau khi "bà hỏa ghé thăm", khu phố Dagenham ở phía Đông London tan hoang "như vùng chiến sự". Ảnh: CNN.

Thị trưởng thành phố Sadiq Khan cho biết sẽ hỗ trợ tối đa những gia đình bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy, đồng thời kêu gọi người dân hủy bỏ mọi tiệc nướng ngoài trời, đơn giản chỉ vì London không đủ nhân lực để đối phó với số lượng đám cháy lớn trên toàn thành phố.

Ông Sadiq Khan cũng nhấn mạnh: "Nếu còn chưa hiểu, các bạn hãy đến Dagenham để tự cảm nhận. Nơi này trông giống như một khu chiến sự sau khi "bà hỏa" ghé qua. Những chiếc ô tô chỉ còn trơ khung sắt, những chiếc cửa sổ nhà đen kịt và những cục nhựa là thứ còn sót lại ở nơi đặt các thùng rác công cộng".

Thông cáo của Sở cứu hỏa London mô tả: "Hôm thứ ba tuần trước có thể nói là ngày bận rộn nhất của lực lượng chúng tôi kể từ Thế chiến II. Các vụ hỏa hoạn khiến mọi người phải suy nghĩ về những giải pháp trong bối cảnh ngày càng bị thách thức bởi tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu".

Thùng rác công cộng biến dạng vì nóng chảy. Ảnh: CNN.

Thùng rác công cộng biến dạng vì nóng chảy. Ảnh: CNN.

Hiện người dân Anh đang kêu gọi chính phủ đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng để thích ứng với tình trạng thời tiết cực đoan. Ảnh: CNN.

Hiện người dân Anh đang kêu gọi chính phủ đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng để thích ứng với tình trạng thời tiết cực đoan. Ảnh: CNN.

Được biết, các tòa nhà ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung có tuổi đời hàng trăm năm, được thiết kế để giữ nhiệt nhằm giúp người dân chống chọi với mùa Đông giá lạnh. Nhưng với bối cảnh hiện nay, những tòa nhà này lại khiến người dân nước Anh bị khó chịu vì "rất ấm" và không có hệ thống điều hòa không khí.

Hiện người dân Anh đang kêu gọi chính phủ đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng để thích ứng với tình trạng thời tiết cực đoan. Không những vậy, Liên minh các Lữ đoàn cứu hỏa nước này cũng yêu cầu được bổ sung nguồn kinh phí cho các thiết bị chuyên dụng và tuyển thêm nhân lực.

Theo liên minh này, kể từ năm 2010 đến nay, hơn 11.500 lính cứu hỏa đã bị giảm biên chế và điều này đi ngược lại với nhu cầu cấp bách và "cực kỳ báo động" ở thời điểm hiện tại và tương lai.

CNN dẫn một nghiên cứu mới công bố đầu tháng 7 của các nhà khí tượng học nêu rõ, các đợt nắng nóng đã trở nên thường xuyên và dữ dội hơn trên khắp châu Âu trong bốn thập kỷ qua. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng ít nhất 1,1 độ C kể từ cuối thế kỷ XIX. Những thay đổi về luồng gió, bầu khí quyển và nhiệt độ bề mặt biển cũng thúc đẩy sự gia tăng nhiệt độ.

Như Uyên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau/khu-pho-dong-london-nhu-vung-chien-su-chay-rui-vi-nang-nong-ky-luc--i661909/