Khu rừng Du kích
Đêm đêm, người làng Khao dường như vẫn nhìn thấy ánh lửa le lói trong khu rừng Gấm xa xa. Từ rất lâu rồi, người vùng này không ai còn gọi là rừng Gấm - một cái tên cổ xưa nữa, họ gọi là 'rừng Du kích'. Chắc linh hồn người du kích năm xưa đốt lửa canh rừng…
Bao nhiêu chuyện đau thương người làng truyền lại mấy đời con cháu dường như còn đó. Nào là mấy thanh niên đội tự vệ trong làng bị giặc Pháp chặt đầu dưới gốc cây bồ hòn cổ thụ, nào là cô Ngoan xinh gái nhất làng bị cả toán giặc hãm hiếp rồi giết chết bên con suối cạn. Nào là bao nhiêu trâu bò, lợn gà, thóc lúa đã bị cướp đi. Máu và nước mắt của rất nhiều số phận nô lệ lầm than đã chồng chất như lá rừng.
“Làng bây giờ no ấm, giàu đẹp, con người tự do hạnh phúc là mơ ước bao đời đấy. Các cháu phải biết là tỉnh Bắc Giang quê hương chúng ta đây này là một trong những tỉnh đầu tiên khởi nghĩa giành được chính quyền cấp tỉnh vào ngày 18 tháng 8 năm 1945 tại thị xã Phủ Lạng Thương đấy. Từ đình Song Khê, quân khởi nghĩa đã tiến hành chiếm dinh tỉnh trưởng, chiếm thị xã Phủ Lạng Thương, buộc phát xít Nhật phải điều đình với Việt Minh. Khi mà ta đang điều đình với Nhật, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân các phủ huyện Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên, từ các ngả đường tiến vào thị xã tuần hành thị uy. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rợp trời. Bọn tay sai hết đất sống, tỉnh trưởng đầu hàng…”- tiếng cụ Khuyến đục và ấm chìm dần vào sương đêm. Cụ năm nay 96 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, đêm nào cũng kể chuyện ngày xưa, chuyện làng, chuyện người thiên cổ.
Những người già và đám con cháu đã quen, tối nào cũng quây quần lại đến khuya. “Thế lúc ấy cụ ở đó à?”. “Đúng rồi, tôi có 17 tuổi, trong đội xung kích của cụ Sáng trên Yên Thế, đi theo cấp trên” . “Chuyện cụ Sáng là thế nào hả ông”? - có người hỏi.
Cụ Khuyến chậm rãi ngồi dậy, vuốt râu, uống một ngụm trà, mắt nhìn xa xăm vô định. Lời cụ như tiếng gió. Hồi ấy, làng rậm như rừng, hổ báo còn nghênh ngang đi lại trêu người. “Chỗ ta ngồi đây là bãi Chèm toàn là lim cổ thụ và sim mua bạt ngàn. Chim chóc đầy cả, cụ Sáng to khỏe nhất làng, lúc đầu bị bắt đi lính cho Pháp. Cụ ấy buộc phải đi. Một đêm, sau khi chứng kiến bọn giặc cướp bóc, giết hại dân lành mãi trên vùng Cao Bằng, cụ ốm sốt và trốn vào rừng sâu.
Sau này, cụ đã chạy mấy đêm liền về đến Lạng Sơn, rồi về làng. Ốm rụng hết tóc, gầy lắm. Cụ lết được về nhà, sau nửa năm khỏe lại thì tham gia cách mạng, người du kích đầu tiên của làng ta đấy. Cụ khỏe lắm, vác tôi lên vai đi hàng cây số. Tiếc là cụ đã không sống đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Một lần đi hoạt động bí mật, cụ bị địch bắt, tra tấn đến chết trong rừng Gấm. Người làng sau đó biết chuyện đi tìm cụ bao ngày không thấy…”.
Người làng vẫn kể về bà Oanh, người vợ tảo tần của cụ Sáng, đã bỏ nhà cửa ruộng vườn đi tìm chồng nhiều năm. Dù hai người chưa có con nhưng cụ bà ở vậy suốt đời. Đêm ấy, cụ bà khi đó là thiếu phụ 30 tuổi rời làng, cầm đuốc cùng đàn ông trong làng mò mẫm đi tìm chồng. Thiếu phụ đã thiếp đi trên đám lá mục cạnh gốc cây lim xanh rồi mơ thấy chồng mình thành ngọn đuốc lớn cháy sáng rực góc rừng, bay nhảy quanh gốc lim xanh và sưởi ấm nàng. Tỉnh dậy, người làng vây quanh. Thiếu phụ quả quyết chính chỗ này chồng mình bị giết. Người làng bới lá, vạch gốc cây, trèo lên cây tìm kiếm.
Quả thật, linh thiêng kỳ lạ, mấy vết máu khô đã hoàn toàn lặn vào vỏ cây, dưới lớp lá mục có mấy mảnh xương... Chắc thú dữ đã hoành hành sau khi lũ giặc rời đi. Mọi người mặt thất sắc nửa tin nửa ngờ thì thiếu phụ rú lên khi cái thắt lưng da của chồng bị đất vùi cách gốc cây mấy bước chân. Thế là ngôi mộ cụ Sáng du kích được xây bên gốc lim xanh trong rừng Gấm. Người làng cũng đánh dấu những chỗ đau thương khác như gốc bồ hòn, con suối cạn. Rừng từ đó được gọi là rừng Du kích nhằm tưởng nhớ cụ Sáng và những người đã khuất.
“Nếu còn thì cụ Sáng năm nay đã 106 tuổi rồi, hơn ta 10 tuổi cơ mà. Cha ông ta sống đời nô lệ khổ chưa từng có, đói khổ ăn cháo kê, cả vùng trồng đay làm gì có lúa gạo, ăn mặc rách rưới lắm, liền ông đóng khố cởi trần quanh năm, liền bà mặc yếm, váy đụp vá nhằng nhịt, có khi cả tháng ăn con cua con ốc, biết hạt gạo là gì đâu. Nên cái ngày phá kho thóc của Nhật trên Đồi Trắng ấy không ai có thể quên. Dân ta ào ào đến lấy thóc chia cho nhau, chạy băng băng qua đồng... ”- cụ Khuyến nghẹn ngào rồi giục đám khách đi ngủ và ngả lưng lên cái nệm da.
Chỉ còn một hai người làng ngồi lại. Họ thường chờ cụ Khuyến ngủ say rồi mới về nhà. Họ và người làng đều mơ hồ lo sợ, một ngày nào đó, cụ Khuyến bay về trời thì sẽ không còn ai kể chuyện làng Khao, chuyện đánh giặc, chuyện vùng đất này khi xưa nữa. Người kể chuyện đi khuất thì có thể, tất cả những điều đã từng mắt thấy tai nghe đều trở thành huyền thoại hay cổ tích. Nhưng người làng không biết rằng, những gì cụ Khuyến kể đã ngấm vào trời đất, cỏ cây và ký ức mỗi người. Trên đường về nhà, mấy người luôn luôn rì rầm nói với nhau về ngọn lửa mà họ nhìn thấy ở rừng.
Đầu thu, đêm se lạnh, sương mỏng bao quanh. Có tiếng nước nhỏ giọt thong thả bên hiên. Ngôi nhà của cụ Khuyến dần dần chìm trong bóng đêm. Nơi này khá xa rừng. Xưa rừng rậm chằng chịt, nay đã thay đổi, vẫn còn khu hoang sơ, nhưng ven bên ngoài là rừng keo, rừng bạch đàn dân trồng thay vào chỗ rừng tạp dạo trước. Nhưng lõi rừng, nơi có ngôi mộ cụ Sáng thì tuyệt nhiên không ai dám động đến. Mỗi năm, vào dịp lễ Tết, hoặc kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, người làng cùng với chính quyền vào đó thắp hương tưởng niệm.
Tháng Tám về, nghe bảo dưới hạ lưu sông Cầu đã vào mùa thu hoạch trám đen. Người làng Khao bấm đốt ngón tay để chờ ngày cùng nhau vào rừng thiêng thắp đèn, làm lễ nguyện cầu. Đêm ấy, mọi thế hệ người làng mấy trăm năm, dù còn hay đã khuất sẽ gặp nhau trong rừng, đủ đầy, nguyên vẹn. Họ cùng nhau nói chuyện về làng, về con cháu, về những người còn lại.
Mấy bà trong làng Khao kể, lần nào vào cũng mưa, lúc vào, cứ mở đường đi một đoạn, nhìn lại, cây rừng đã bò ra xóa dấu vết, xung quanh rậm rịt. Làm lễ xong, cây rừng lại mở lối cho về, mọi người ra bìa rừng thì khoảng xanh sau lưng đóng lại kín bưng, không ai còn nhì thấy những gốc cây to nữa. Còn ánh lửa thì sao? Lũ trẻ con trong làng muôn lần hỏi thế. Không ai cắt nghĩa được rõ ràng, chỉ có thể giải thích cho trẻ con rằng đó là bếp của Thần Rừng đang cháy. Vị thần ấy thức canh rừng, canh cho dân làng ngủ ngon. Thần Rừng chính là linh hồn cụ Sáng. Nhờ có cụ ấy mới có làng như hôm nay…
Dịp nào mùa màng bội thu, không khí trong làng thanh bình, yên ấm thì vào đêm thanh vắng, người ta lại nhìn lấy lửa rừng thấp thoáng. Người làng, không ai bảo ai, tập trung hết ở nhà cụ Khuyến nghe kể chuyện xưa và bàn chuyện hôm nay. Đám rừng con lại kia là nơi linh thiêng tuyệt đối. Là một phần máu thịt của làng Khao. Đám trẻ con thì nô đùa chạy nhảy ở khoảnh sân lớn sáng trưng ánh điện. Ở đó, chuẩn bị xây một cái thư viện và khu vui chơi cho trẻ em. Tiếng cụ Khuyến nhả đều đều vào không gian. Người làng vây quanh cụ Khuyến, lưng dựa vào vách nhà, mặt nhìn ra rừng Du kích. Hình như càng nghe kể chuyện, trên mặt mọi người càng nhuốm màu liêu trai, hư ảo. Khu rừng ấy hầu như đã bén rễ trổ cành trong đám trai làng. Họ càng lớn lên vạm vỡ thì càng biết rằng, cuộc sống ngày nay bắt đầu từ khu rừng thiêng kia.
Một buổi kể chuyện như bao đêm, chắt ngoại cụ Khuyến đi học bên Tây về, ào vào hỏi: Cụ ơi, thế cụ có cho cháu lấy chồng người Pháp không để cháu đưa về thăm cụ? Cụ Khuyến dụi mắt rồi bảo: Có, cháu yêu người Pháp à? Không quên quá khứ nhưng chả nên ôm thù hận làm gì, cùng nhau làm nên tương lai chứ. Đưa nó về đây cho cụ xem đã nhé. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Cụ Khuyến nhớ lại ngày cậu chàng thanh niên 17 tuổi áo nâu chân đất, vũ khí thô sơ chạy theo các anh Việt Minh đi khởi nghĩa. Rồi anh chàng đó hòa vào dòng người ngập trong cờ đỏ, hừng hực khí thế như nước dâng, như lửa cháy tràn lên các đường lớn, ùa về thôn xóm. Nhân dân khắp nơi đi phá kho thóc, chia nhau lương thực, cùng nhau hân hoan đã thoát ách nô lệ khốn khổ. Cụ muốn chắt ngoại đưa mình đi ngồi tàu một chuyến từ Bắc vào Nam rồi về sẽ đi gặp tổ tiên. Cô chắt gái ôm cụ rồi nói: “Đưa cụ sang Pháp luôn ạ”. Tiếng cụ Khuyến cười giòn tan.
Tháng Tám về, nghe bảo dưới hạ lưu sông Cầu đã vào mùa thu hoạch trám đen. Người làng Khao bấm đốt ngón tay để chờ ngày cùng nhau vào rừng thiêng thắp đèn, làm lễ nguyện cầu. Đêm ấy, mọi thế hệ người làng mấy trăm năm, dù còn hay đã khuất sẽ gặp nhau trong rừng, đủ đầy, nguyên vẹn. Họ cùng nhau nói chuyện về làng, về con cháu, về những người còn lại. Những người làng Khao trở về từ rừng đều tin và nuôi trong lòng mình ngọn lửa rừng huyền bí và ấm áp.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khu-rung-du-kich-143538.bbg