Khu rừng nguyên sinh hiếm hoi giữa đồng bằng
Người làng An Tráng xem rừng là nơi linh thiêng, là nguồn sống của làng. Rừng có xanh thì nguồn mạch mới tươi tốt, làng mới thịnh, bởi vậy, từ xa xưa đến giờ, người làng đều tự giác cùng nhau gìn giữ
Cách trung tâm TP Quảng Ngãi chừng 20 km về hướng Đông Bắc, khu rừng nguyên sinh hiếm hoi ở giữa vùng đồng bằng, tồn tại hàng trăm năm qua, ít người ngoài biết đến. Đó chính là rừng An Tráng, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
"Báu vật xanh" của làng
Làng An Tráng nằm cách núi Thình Thình (cao nhất huyện Bình Sơn) chừng 3 km, được bao bọc bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn.
Thấy có người lạ tìm đến rừng An Tráng, ông Nguyễn Tấn Minh (67 tuổi) nhanh chân đến tìm hiểu. Khi biết chúng tôi có ý định vào rừng An Tráng, ông Minh lúc đầu không đồng ý vì cho rằng rừng An Tráng là nơi linh thiêng, là niềm tự hào của người làng, người lạ không thể tùy tiện ra vào. Chúng tôi năn nỉ mãi và nhờ người quen giới thiệu nên ông Minh mới gật đầu đồng ý.
Nói xong, ông Minh bảo chúng tôi đứng đợi để ông về nhà mặc lễ phục, đem hương hoa vào miếu xin phép "thần rừng". Sau khi hoàn tất thủ tục khấn vái, ông Minh cầm rựa, dẫn chúng tôi vào rừng An Tráng. Đi được khoảng hơn nửa giờ, men theo những con đường mòn, chúng tôi như lạc vào một khu rừng già ở Trường Sơn hùng vĩ. Trước mặt chúng tôi những thân cổ thụ có tuổi đời lên tới vài trăm năm tuổi, nhiều cây 6-7 người ôm không xuể; dưới tán cổ thụ, cây dại và dây leo mọc chằng chịt.
"Ở đây có nhiều loại cây có giá trị như mít nài, vĩnh, trâm, quăng, chò, cầy, sến...; có cây đã 200-300 năm tuổi, với vô vàn hình thù độc đáo, kỳ quái... Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ theo cha vào đây đã thấy những cây to này rồi. Cha tôi bảo giữ được rừng mới có bát cơm ăn" - ông Minh hồi tưởng.
Theo lời ông Minh, dù rừng An Tráng sở hữu rất nhiều cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nhưng người dân trong làng tuyệt nhiên không xâm phạm bất kỳ thân cây nào của rừng. "Từ nhỏ, tôi đã nghe cha mình nói về hương ước giữ rừng của làng. Trong hương ước, người làng chỉ được phép lấy củi khô chứ không được đốn cây, chặt phá. Nếu ai vi phạm, sẽ bị tịch thu gỗ, bị phạt tiền. Còn tái phạm, sẽ bị trục xuất khỏi làng. Hương ước này người làng vẫn giữ đến bây giờ và lệ làng hằng năm vẫn cứ diễn ra. Qua mấy trăm năm, làng An Tráng chúng tôi vẫn trù phú, không hề hấn trước phong ba bão táp, nên người dân luôn có ý thức giữ rừng" - ông Minh tự hào.
Giữ rừng là giữ làng
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú, cho biết toàn xã hiện có hơn 18 ha rừng tự nhiên; được chia làm 7 khu, giao cho người dân từng địa phương quản lý, chủ yếu ở làng An Tráng, Phú Vinh, Bình An (thôn Nhơn Hòa 1) và xóm Thuận Yên (thôn Diên Lộc). Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài chim chóc, muông thú, đặc biệt là khỉ... "Người dân sống xung quanh các khu rừng này rất coi trọng việc giữ gìn, bảo vệ rừng. Mọi người đều ý thức rằng bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống. Rừng có xanh thì nhà cửa, làng mạc mới trù phú, cuộc sống người dân mới vững bền" - ông Phúc khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (60 tuổi) ở làng Phú Vinh cho biết riêng Phú Vinh quản lý khoảng 7 ha rừng, tiếp giáp với rừng do làng An Tráng quản lý. "Cũng như làng An Tráng, làng Phú Vinh của chúng tôi xưa nay chưa bao giờ xảy ra tình trạng khô cằn, thiếu nước. Những cánh đồng xung quanh làng luôn xanh tốt, hoa màu tốt tươi vì mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh... Có được điều đó cũng nhờ vào rừng, rừng có xanh thì nguồn mạch mới tốt, cuộc sống người dân đủ đầy" - ông Sơn tin tưởng.
Ông Sơn tự hào nói rằng ngay cả lúc cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề cũng không có ai vào rừng khai thác gỗ để đổi lấy cái ăn hay để dựng nhà. Ngày nay cũng vậy, ý thức giữ rừng của người dân rất rốt. Việc bảo vệ rừng được đưa vào hương ước của làng từ xa xưa đến nay. Một cây củi khô từ rừng cũng không ai được lấy đem về nhà. Mỗi năm chỉ được thu hoạch một lần vào ngày 25 tháng chạp; tất cả số gỗ, củi khô từ rừng này phải đem ra bán đấu giá sung vào công quỹ.
"Thật sự là nếu người dân không đồng lòng, tham tiền bỏ rừng, sẽ rất khó giữ. Nhưng chẳng ai làm vậy vì ai cũng biết rừng là mạch sống của làng. Thế hệ cha ông đi trước đã có công gìn giữ cho đến ngày nay, mình phải ra sức bảo vệ, gìn giữ cho con cháu mai sau. Bởi còn rừng là còn làng, hết rừng là làng mạt" - ông Sơn trải lòng.
Điều lo lắng nhất của người dân nơi đây là một số người từ các địa phương khác thường lén lút đến khu rừng để đốt ong lấy mật và lâm tặc dòm ngó.
Ông Nguyễn Hữu Tín - Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn, phụ trách công tác bảo vệ rừng ở xã Bình Tân Phú - cho biết phần lớn diện tích rừng tự nhiên ở Bình Tân Phú đều được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Mỗi xóm có khoảng 8 thành viên thường xuyên tham gia bảo vệ rừng. "Nhờ có người dân ở các thôn đồng lòng chung sức bảo vệ nên những cánh rừng ở đây mới được gìn giữ đến ngày nay và ngày càng thêm xanh" - ông Tín khẳng định.
Từng là căn cứ cách mạng
Ngày trước, toàn bộ cánh rừng nơi đây được gọi là rừng An Tráng, vì gắn với di tích cách mạng huyện Đông Sơn. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là căn cứ cách mạng huyện Đông Sơn; cán bộ cách mạng ở 9 xã khu Đông huyện Sơn Tịnh ẩn náu hoạt động tại đây. Năm 2011, căn cứ huyện Đông Sơn - rừng An Tráng đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.