Khu tái định cư Lạng Khê - Con Cuông: Hoang tàn sau gần 10 năm thi công dang dở
Gần 10 năm sau ngày khởi công, dự án Khu tái định cư Lạng Khê Con Cuông đã 'ngốn' hơn 18 tỷ đồng tiền đầu tư. Điều đáng nói, số tiền đổ ra lớn là vậy nhưng chỉ biến cảnh đồi núi thành một khu đất hoang vu…
Dự án cấp thiết lỗi hẹn người dân
Lạng Khê là xã vùng cao khó khăn của huyện Con Cuông (Nghệ An) vì nằm cách xa trung tâm huyện, điều kiện giao thông đi lại khá cách trở, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm phần nhiều. Đặc biệt, đây cũng là vùng mà người dân luôn đối mặt với những hiểm họa từ thiên tai trong mùa mưa lũ.
Để đáp ứng và tạo điều kiện phát triển cuộc sống cũng như an sinh cho người dân nơi đây, Nhà nước và chính quyền địa phương đã lập dự án xây dựng Khu tái định cư cho 56 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở lũ ống, lũ quét và các hộ gia đình không có đất ở, đất sản xuất vào nơi ở mới.
Dự án này được thực hiện theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2012 và Quyết định số 2085/QĐ- TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được triển khai xây dựng vào năm 2011, tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An), với tổng mức đầu tư hơn 63,5 tỷ đồng.
Theo đó, dự án gồm những hạng mục như: San nền khu Tái định cư (TĐC), xây dựng hệ thống điện, đường từ Quốc lộ 7A vào khu TĐC và đường nội vùng khu TĐC; Trường mầm non, trạm y tế và hệ thống nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cũng như nhà văn hóa cộng đồng…
Nguồn vốn dự án được lấy từ vốn ngân sách T.Ư đầu tư có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm. Vốn lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn (Chương trình 135, ĐCĐC 33, CT 160…) và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương. Ngoài ra còn vay ngân hàng để phát triển sản xuất và huy động đóng góp của nhân dân vùng dự án.
Mục tiêu chính của dự án là bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở và đặc biệt khó khăn tại xã Lạng Khê, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để đưa 56 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và các hộ gia đình không có đất ở, đất sản xuất vào nơi ở mới. Dự án do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư, với tên gọi bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở và đặc biệt khó khăn xã Lạng Khê.
Một dự án được đánh giá cấp thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương cũng như thể hiện sự quan tâm của nhà nước đến đời sống và sự an nguy của người dân xã Lạng Khê nói riêng cũng như đối với người dân đặc biệt khó khăn ở mọi miền đất nước. Vậy nhưng, chỉ sau vài năm thi công dự án ngốn hơn 18 tỷ đồng này phải chịu cảnh hoang tàn “đắp chiếu”, người dân hồ hởi mong ngóng bao nhiêu thì đợi chờ thất vọng bấy nhiêu.
Dẫn chúng tôi đến khu TĐC, ông N., một người dân trên địa bàn cho biết: “Bà con chúng tôi ngày đó mừng lắm, được nhà nước, chính quyền xây dựng chỗ ở mới an toàn hơn thì còn gì vui sướng bằng. Có chỗ ở lại không lo mưa lũ thì an tâm sinh sống rồi. Tiếc là dự án bị dừng giữa chừng, đất hóa hoang dại theo năm tháng…”.
Qua quan sát, đường vào khu TĐC được nối với QL7, trên tuyến vào có một số cống ngang đường đã được thi công xong. Càng vào sâu con đường càng khó đi vì đồi dốc và mặt đường bị xói mòn, có điểm thành rãnh lớn trên mặt đường, khá nguy hiểm cho người dân và gia súc khi qua khu vực này.
“Giai đoạn ban đầu, máy móc và công nhân rầm rộ làm việc, nhưng chỉ một thời gian ngắn bỗng dưng tạm dừng, máy móc rút ra khỏi công trường, vắng lặng từ đó…. ”, ông N cho biết thêm.
Dự án tạm dừng do thiếu vốn
Tìm hiểu được biết, sau khi khởi công (năm 2011) được chừng 2 năm thì các đơn vị thi công bắt đầu rút khỏi công trình. Tất cả các hạng mục đều dở dang và chưa thực hiện xong, từ đó đến nay dự án này chưa được xây dựng tiếp.
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết: "Việc triển khai thi công khu TĐC xã Lạng Khê đang tạm dừng vì khó khăn trong nguồn vốn, tổng mức dự án hơn 60 tỷ đồng nhưng các cấp mới bố trí được hơn 18 tỷ nên không thể triển khai tiếp. Việc này, huyện cũng đã nắm được và có báo cáo với Sở Kế hoạch đầu tư để tỉnh triển khai và đảm bảo công trình, đưa dân đến ở".
Trước đây với số vốn đã bố trí (18,2 tỷ đồng), huyện đã triển khai được một số hạng mục như: Chi 15 tỷ đồng cho các hạng mục xây dựng, san lấp mặt bằng. Mở thông tuyến đường giao thông nối QL 7A vào khu TĐC, đường giao thông khu TĐC. Đồng thời thi công một số công trình trên tuyến như: Cống qua đường, mương thoát nước 2 bên đường, và chi 3,2 tỷ đồng cho các việc khác.
Là một dự án cấp thiết nhưng lại chịu cảnh thi công dang dở, số tiền đầu tư vào không phải ít nhưng sau gần 10 năm chỉ còn lại cảnh hoang tàn, người dân thì chưa biết bao giờ mới được chuyển về nơi ở mới. Dư luận băn khoăn khi hơn 18 tỷ đồng đã được đầu tư chỉ để đổi lấy mảnh đất hoang vu cùng ít ỏi hạng mục đã hoàn thiện. Rồi nếu mai đây khi nguồn vốn được bố trí tiếp liệu những hạng mục đã thi công có còn đảm bảo chất lượng?