Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho ngành logistics Việt Nam

Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho ngành logistics Việt Nam. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng cho Đà Nẵng, mà còn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế toàn quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại và logistics quốc tế.

Sáng 14/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn "Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng". Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Việt Nam hiện đang tích cực nghiên cứu về các mô hình khu thương mại tự do trên thế giới. Đà Nẵng, một trong những thành phố phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

 Toàn cảnh Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics Thành phố Đà Nẵng”.

Toàn cảnh Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics Thành phố Đà Nẵng”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường, Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đưa TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng. Và mới đây nhất là Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của TP Đà Nẵng.

Đặc biệt, chính sách đặc thù này áp dụng cho TP Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung.

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu khai mạc Diễn đàn.

"Trong giai đoạn sắp tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn. Thành phố cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển.", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường khẳng định.

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực tăng trưởng bền vững và hiệu quả, theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Đà Nẵng cần tập trung vào một số chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho khu vực này.

Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do. Kinh nghiệm từ Singapore, với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ số hóa, đã đưa quốc gia này thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực. Đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.

 TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi tại Diễn đàn.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi tại Diễn đàn.

Thứ hai, cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế. Khu thương mại tự do Thượng Hải của Trung Quốc đã thành công nhờ các chính sách miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu và ưu đãi thuế xuất khẩu, giúp tăng khả năng cạnh tranh và tiết kiệm chi phí. Đà Nẵng có thể tham khảo mô hình này để xây dựng các ưu đãi tương tự, kết hợp với cơ chế pháp lý minh bạch nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh ổn định và an toàn. Chính quyền thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương trong việc phát triển hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và ưu đãi thuế, như miễn thuế VAT cho hàng hóa trong quá trình lưu kho và ưu đãi về sử dụng đất, nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu thương mại tự do.

Thứ ba, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng. Khu thương mại tự do không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn cần đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường. Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, và thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực. Các khu thương mại tự do tại Đức và Costa Rica là minh chứng thành công trong việc kết hợp sản xuất xanh với các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, tái chế và tiết kiệm năng lượng. Áp dụng mô hình này sẽ giúp Đà Nẵng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh của thành phố như một điểm đầu tư thân thiện, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.

 Ra mắt Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng.

Ra mắt Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng.

Thứ tư, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, và xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cùng với AI để phân tích chuỗi cung ứng, sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể.

"Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho ngành logistics Việt Nam. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng cho Đà Nẵng, mà còn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế toàn quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại và logistics quốc tế." TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-se-tro-thanh-dong-luc-manh-me-cho-nganh-logistics-viet-nam-post321293.html