Bài học từ các Khu thương mại tự do của Trung Quốc

Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc liên tục mở rộng số lượng khu thương mại tự do (FTZ) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy hội nhập kinh tế và đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn….

 Khu thương mại tự do Thượng Hải

Khu thương mại tự do Thượng Hải

Các Khu thương mại tự do (gọi tắt là FTZ – Free Trade Zones, hay còn gọi là các khu kinh tế đặc biệt) là một chính sách quan trọng được chính phủ Trung Quốc khởi động vào năm 2013, nằm trong chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp khác nhau tùy theo từng khu vực.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến năm 2024, 22 FTZ đã đóng góp 20% cho tổng kim ngạch thương mại ngoại thương và thu hút khoảng 282,5 tỷ USD vốn FDI, tương đương 24,3% tổng vốn FDI vào Trung Quốc.

LÁ BÀI CHIẾN LƯỢC

FTZ đầu tiên được Trung Quốc thành lập tại Thượng Hải vào năm 2013 nhằm thí điểm các cải cách mới. Khu Thương mại Tự do Thượng Hải (SFTZ) chính thức được triển khai vào tháng 9/2013, với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thương mại quốc tế. Khu có diện tích 120 km2, nằm tại quận Phố Đông và bao gồm ba khu vực là Khu ngoại quan Waigaoqiao, Khu cảng Yangshan và Khu thương mại tự do sân bay Phố Đông.

SFTZ chú trọng vào việc đơn giản hóa thủ tục thương mại, giảm bớt hành chính và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều ưu đãi được áp dụng như giảm thuế quan, thủ tục hải quan tinh gọn và khả năng chuyển đổi ngoại tệ linh hoạt hơn. Đồng thời, khu vực này còn cho phép đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều lĩnh vực hơn nhờ nới lỏng các quy định.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, SFTZ còn đóng vai trò là nơi thí điểm cho các cải cách kinh tế và tài chính, điển hình là việc áp dụng hệ thống “danh mục hạn chế” – chỉ liệt kê các lĩnh vực bị cấm hoặc hạn chế đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi thành lập, SFTZ đã thu hút hàng loạt tập đoàn đa quốc gia như General Electric, IBM và Pfizer. Thành công của SFTZ đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc mở rộng mô hình FTZ ra nhiều khu vực khác trong cả nước.

Đến năm 2018, Trung Quốc bãi bỏ giới hạn diện tích 120 km2 cho khu thương mại tự do và quyết định phát triển toàn bộ tỉnh Hải Nam với diện tích 35.400 km2 thành cảng thương mại tự do cấp quốc gia.

 Sơ đồ các khu vực thương mại tự do của Trung Quốc

Sơ đồ các khu vực thương mại tự do của Trung Quốc

Tính đến nay, Trung Quốc đã thành lập 22 FTZ với những mục tiêu riêng biệt. Ví dụ, FTZ Hải Nam nhấn mạnh cải cách cơ cấu phía cung và tận dụng vị trí địa lý để phát triển thành cảng thương mại tự do. FTZ tại Khu mới Lin-gang, Thượng Hải - là phần mở rộng của FTZ đầu tiên - được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các khu thương mại tự do hàng đầu thế giới và trở thành vùng kinh tế đặc biệt có ảnh hưởng quốc tế. FTZ Giang Tô - nằm trong số 6 FTZ thí điểm được công bố vào tháng 8/2019 - hướng tới đổi mới thể chế và tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài.

Mỗi FTZ tại Trung Quốc có trọng tâm kinh tế và công nghiệp riêng biệt, đi kèm với các ưu đãi đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu đề ra. Hệ thống ưu đãi và quy định trong các FTZ được xây dựng để phù hợp với các ưu tiên chính sách của chính phủ.

Các khu thương mại tự do (FTZ) được thiết lập để hàng hóa có thể được đưa vào, lưu trữ, chế biến, tái xuất hoặc tái cấu trúc mà không chịu sự can thiệp trực tiếp của cơ quan hải quan địa phương. Chỉ khi hàng hóa được phân phối vào nội địa tại nơi FTZ đặt trụ sở, chúng mới chịu các mức thuế và quy định hải quan hiện hành.

Để theo sát các mục tiêu đề ra, chính phủ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt chính sách táo bạo để thúc đẩy sự phát triển của các FTZ, thể hiện quyết tâm mở cửa thị trường và cải cách toàn diện. Mục tiêu trọng tâm là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của nhà đầu tư nước ngoài và thu hút nhân tài chất lượng cao.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi chung, khu thương mại tự do được hưởng cơ chế quản lý đặc thù, trong đó tiêu biểu là giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp (tùy theo từng FTZ), miễn thuế nhập khẩu và xuất khẩu, cung cấp kho ngoại quan và khả năng lưu trữ lớn, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thông quan tại cảng, rút gọn quá trình đăng ký doanh nghiệp và đẩy nhanh thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng…

Ngoài ra, các khu thương mại tự do cũng được biết đến với môi trường kinh doanh tối ưu, hướng tới mục tiêu tự do hóa chính sách có chọn lọc theo từng ngành cụ thể, nới lỏng kiểm soát ngoại hối và mở rộng thêm các quyền tự do theo Luật Đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc còn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một động lực quan trọng thúc đẩy FTZ phát triển. Để thu hút nhân tài từ các lĩnh vực khác nhau, họ đã nới lỏng chính sách để thu hút chuyên gia nước ngoài và áp dụng nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp nhà ở, đi lại, cũng như hợp tác chặt chẽ với các trường đại học địa phương để đào tạo nhân lực. Chẳng hạn, FTZ Lin-gang tại Thượng Hải đã triển khai chương trình miễn giảm thuế cho nhân tài nước ngoài nhằm bù đắp phần chênh lệch thuế giữa Trung Quốc và nước sở tại của họ.

CÁNH CỬA HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Nhiều công ty quốc tế đánh giá cao FTZ như là một lựa chọn hấp dẫn để thành lập hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi các FTZ tại Thượng Hải và các thành phố lớn ghi nhận nhiều thành tựu ban đầu, thì các FTZ tại các thành phố cấp 2 và cấp 3 lại có ưu thế riêng về lực lượng lao động trẻ dồi dào, chi phí vận hành thấp và khả năng tiếp cận các thị trường nội địa rộng lớn nằm sâu trong đất liền vốn thường bị bỏ qua.

Một yếu tố then chốt để bảo đảm thành công của các FTZ là môi trường kinh doanh công bằng. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể kỳ vọng được đối xử bình đẳng, được tạo điều kiện thuận lợi trong luồng vốn, thương mại và giao thông vận tải, cũng như tham gia vào cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

Các tổ chức trọng tài quốc tế có uy tín cũng được phép thành lập văn phòng và hoạt động tại FTZ. Tỷ lệ sở hữu vốn ngoại tại các tổ chức tài chính được nới lỏng, cho phép mở rộng phạm vi hoạt động. Nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện có thể thành lập tổ chức tài chính tại FTZ.

Bên cạnh đó là nỗ lực xây dựng cơ chế cạnh tranh công bằng bằng cách áp dụng tiêu chuẩn tiếp cận thị trường đồng nhất giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng quyền lợi tương đương trong đấu thầu chính phủ, trợ cấp tài chính, điều kiện cấp phép và các tiêu chuẩn chuyên môn.

 Khu thương mại tự do Quảng Đông

Khu thương mại tự do Quảng Đông

Năm 2019, chính phủ Trung Quốc công bố phiên bản mới của danh mục ngành nghề hạn chế đầu tư nước ngoài tại các FTZ, giảm số lượng ngành từ 45 còn 37, thể hiện cam kết mở cửa sâu rộng hơn. Từ năm 2013 đến 2019, danh mục này đã cắt giảm 163 mục hạn chế trong tổng số 190 mục ban đầu - một bước tiến lớn trong cải cách thể chế.

Các biện pháp nói trên sẽ giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp quốc tế gia nhập thị trường Trung Quốc, đồng thời tạo dựng môi trường thân thiện hơn cho các hoạt động kinh doanh trong FTZ.

Song song với đó, việc luân chuyển vốn tự do là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự năng động của doanh nghiệp. Các chính sách tài chính trong FTZ tập trung vào ba yếu tố, đó là thuận lợi hóa thanh toán xuyên biên giới bằng đồng tiền chung, tự do luồng vốn và trao đổi ngoại tệ, cũng như hỗ trợ các hoạt động tài chính quốc tế. Chẳng hạn, FTZ Lin-gang tại Thượng Hải cho phép các tổ chức tài chính phát hành trái phiếu, đầu tư chứng khoán và kinh doanh bảo hiểm xuyên biên giới – phản ánh định hướng mở cửa mạnh mẽ về tài chính của Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Thuận lợi hóa thương mại và giao thông vận tải cũng là yếu tố khiến FTZ trở thành nền tảng hấp dẫn cho doanh nghiệp. Nhiều FTZ nằm gần cảng biển hoặc sân bay, qua đó tận dụng lợi thế hạ tầng để thúc đẩy giao thương. Một số biện pháp cụ thể khác có thể kể đến còn là khuyến khích hãng hàng không mở chuyến bay quá cảnh, hoặc xây dựng trung tâm dịch vụ logistics một cửa để hoàn tất mọi thủ tục hải quan tại chỗ.

Đáng chú ý, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) là một trong những mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc đã ban hành loạt chính sách nhằm tăng cường bảo vệ IP trong các FTZ, bao gồm việc thành lập Văn phòng IP chuyên trách để xử lý các tranh chấp liên quan đến bằng sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền. Đồng thời, các tổ chức chuyên môn cũng được khuyến khích cung cấp dịch vụ trung gian và hỗ trợ thi hành quyền IP. Khu FTZ Thượng Hải là ví dụ điển hình. Từ năm 2014, tại đây đã thành lập Văn phòng IP “3 trong 1” thực hiện cả chức năng quản lý hành chính lẫn cưỡng chế pháp lý.

Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động và đà phục hồi kinh tế còn yếu, các FTZ đóng vai trò như “lá chắn” giúp ứng phó thách thức thị trường và thúc đẩy tăng trưởng khu vực. Với môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và nguồn nhân lực chất lượng, các khu thương mại từ do được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển bền vững và trở thành đầu mối chiến lược trong quá trình hội nhập toàn cầu của Trung Quốc.

Lan Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/bai-hoc-tu-cac-khu-thuong-mai-tu-do-cua-trung-quoc-post561608.html