Khu thương mại tự do ở Hải Phòng mới chỉ là ý tưởng

Ngày 27/10, tiếp theo chương trình Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Vẫn phải đảm bảo giữ nguyên hệ thống chính sách

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội rất xác đáng, sẽ được Bộ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, giải trình để hoàn thiện các Nghị quyết cũng như trong sự điều hành, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế hiện nay, các địa phương có những điều kiện kinh tế-xã hội và trình độ phát triển khác nhau nên khả năng phát triển cũng khác nhau. Thế nhưng, việc đưa ra cơ chế để những địa phương có tiềm năng phát triển mạnh, nhanh hơn thì cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này cũng là nhằm phát triển những vùng kinh tế trọng điểm, động lực nhưng cũng phải quan tâm tới sự phát triển hài hòa với các địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đến sự phát triển hài hòa giữa tất cả các vùng, miền. Đối với những vùng khó khăn, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đều có những quan tâm, sự đầu tư cho các nơi này. Nhiều chương trình Mục tiêu Quốc gia đều nằm ở các vùng khó khăn. Hiện nay, có 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều nằm ở các vùng khó khăn.

Việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển ở một số tỉnh, thành phố nhằm để các địa phương có sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Còn hệ thống chính sách vẫn phải đảm bảo giữ nguyên, chứ không có sự mất cân bằng giữa các tỉnh, thành.

Việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển ở một số tỉnh, thành phố nhằm tạo sự lan tỏa cho sự phát triển ở các tỉnh trong vùng, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn cho ngân sách của Trung ương.

Vì vậy, nguyên tắc thực hiện phải phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương; phù hợp với tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi; đảm bảo tính tương đồng với các tỉnh, thành phố khác đã được áp dụng cơ chế đặc thù. Việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù cũng dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa tạo điều kiện cho các địa phương bứt phá nhưng cũng đề cao tính tự lực, tự cường, vươn lên, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Ngoài ra, việc triển khai cũng phù hợp với tình hình ngân sách, không ảnh hưởng tới bội chi và trần nợ công; tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng vẫn phải tăng cường tinh thần trách nhiệm, cơ chế kiểm soát, kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Phân cấp để giám sát minh bạch

Về phân cấp thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là chỉ phân 1 cấp. Những công việc, nhiệm vụ nào của Quốc hội thì sẽ phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những công việc, nhiệm vụ của Chính phủ thì phân cấp cho địa phương. Việc phân cấp này nhằm thực hiện giám sát việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách cho các địa phương được minh bạch.

Về chính sách dư nợ vay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định dư nợ vay phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của từng địa phương cũng như khả năng triển khai vốn, trả nợ của từng địa phương. Do đó, mức dư nợ vay của các địa phương là khác nhau. Việc tăng mức dư nợ vay của các địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn bội chi ngân sách Nhà nước và trần nợ công của cả nước, được Quốc hội xem xét, quyết định hàng năm.

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 27/10.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 27/10.

Về bổ sung có mục tiêu tiền tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ mục tiêu cho các tỉnh, thành phố từ tăng thu nhưng không vượt quá 70% và phải đảm bảo 2 điều kiện: Thứ nhất là không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực tiễn thu của năm trước. Đây là điều kiện để các địa phương không được dự báo kế hoạch để được hưởng cao hơn. Thứ hai là ngân sách Trung ương không được hụt thu. Chính sách này vẫn đảm bảo ngân sách Trung ương và cũng đảm bảo dự toán không sát thực tế.

Về chính sách phí, lệ phí trên địa bàn cũng nhằm đảm bảo nguồn thu phát huy hiệu quả nên mỗi địa phương có thể lựa chọn phí và lệ phí khác nhau. Việc ban hành các phí, lệ phí này phải có lộ trình, phù hợp với thực tế.

Về một số nội dung khác như khu thương mại tự do ở Thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là một vấn đề mới và đang ở ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Thành phố Hải Phòng nghiên cứu đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương để trình Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Đối với các chính sách đầu tư ngoài ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, các chính sách đầu tư ngoài ngân sách hầu hết đã được phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Đối với vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu, bổ sung một số chính sách trên cơ sở diện tích, quy mô dân số nhằm thực hiện lại việc tổ chức bộ máy, biên chế của các địa phương sao cho phù hợp với đặc thù, sự yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của các địa phương…

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/khu-thuong-mai-tu-do-o-hai-phong-moi-chi-la-y-tuong-114220.html