Khu vực cháy rừng ở Hà Tĩnh chuẩn bị có mưa lớn

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay cho đến hết ngày 3/7, ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, trong thời gian từ ngày 3/6 - 1/7, các tỉnh miền Trung trải qua 1 đợt nắng nóng gay gắt diễn ra liên tục tập trung chủ yếu ở Bắc và Trung Trung Bộ, nhiệt độ kỉ lục được ghi nhận tại các Trạm Khí tượng Thủy văn ở Quỳnh Hợp (Nghệ An) ghi được nhiệt độ cao nhất trong lịch sử là 43 độ C, riêng ở Hương Khê (Hà Tĩnh) trong đợt nắng nóng vừa qua (3/6 – 1/7) có nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 43,3 độ C, tuy nhiên nhiệt độ lịch sử ở Hương Khê là 43,4 độ C được ghi nhận từ tháng 4/2019. Đến thời điểm hiện tại nắng nóng đã giảm khá nhiều và bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ ở khu vực miền Trung.

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

“Thời tiết miền Trung trong thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mới hình thành chiều nay (1/7) và có khả năng di chuyển vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và không loại trừ khả năng sẽ mạnh lên thành bão, cho nên khu vực miền Trung trong vòng từ đêm nay cho đến hết ngày 3/7 và có thể 1 số nơi kéo dài sang ngày 4/7 thì sẽ có mưa vừa đến mưa to, thậm chí có nơi mưa rất to, trọng tâm mưa sẽ ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”, TS Lâm cho hay.

Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, đợt mưa lần này giúp cho nắng nóng ở khu vực miền Trung chấm dứt và làm giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực này.

Cháy rừng nghiêm trọng ở Hà Tĩnh.

Cháy rừng nghiêm trọng ở Hà Tĩnh.

“Tuy nhiên đợt mưa kéo dài không quá lâu và sẽ xuất hiện nắng nóng trở lại ở khu vực miền Trung từ ngày 5/7, chính vì thế nên tại khu vực này cần hết sức lưu ý nguy cơ xảy ra cháy nổ đặc biệt là cháy rừng trở lại và cần có các biện pháp phòng ngừa từ sớm tránh gây hậu quả xảy ra”, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.

Chiều 1/7, một ATNĐ được hình thành ở khu vực Bắc Biển Đông và nhiều khả năng sẽ di chuyển vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và khi di chuyển vào khu vực này thì ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm: “Cơn bão sẽ gây ra 1 đợt mưa to đến rất to cho khu vực từ miền Trung đổ ra, các khu vực trọng tâm mưa là Tây Bắc, Đông Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ gây ra nguy cơ sạt lở đất và lũ quét ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An trong những ngày tới”.

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo, vừa qua sạt lở, lũ quét, lũ ống do mưa lớn xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây hậu quả hết sức nặng nề, hiện tại ATNĐ đang mạnh dần lên thành bão sẽ gây mưa lớn kèm gió giật mạnh vì vậy các địa phương cần rà soát các khu vực trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ quét để có các biện pháp di dời hay phòng tránh kịp thời.

Khu vực miền Trung vừa trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài gây ra khô hạn nhưng sắp tới sẽ xuất hiện mưa lớn xảy ra ở cường độ ngắn sẽ gây ra nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở ở các khu vực vùng núi là rất lớn, vì vậy chính quyền địa phương cần cần rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở để có các biện pháp phòng tránh kịp thời./.

Nguyễn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khu-vuc-chay-rung-o-mien-trung-chuan-bi-co-mua-lon-927473.vov